Nhập nhằng tài chính tại các công ty con
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra một loạt cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với "ông lớn" tài chính được mệnh danh là "SCIC của thành phố Hồ Chí Minh" này.
Cụ thể, theo AASC, trong năm 2016, Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà thành phố Hồ Chí Minh (công ty con của HFIC) đã nộp tiền thuê đất với số tiền là 203,86 tỷ đồng theo thông báo nộp tiền thuê đất tạm tính năm 2016 của Cơ quan thuế. Giá trị tiền thuê đất này có thể thay đổi khi Cơ quan thuế xác định giá đất chính thức. Do đó, Kiểm toán AASC không thể xác định được liệu có phải điều chỉnh số liệu này hay không và không đánh giá ảnh hưởng của vấn đề này đến Báo cáo tài chính hợp nhất của HFIC.
Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà thành phố Hồ Chí Minh đang theo dõi bất động sản đầu tư bao gồm quyền sử dụng đất, nhà cửa và máy móc thiết bị mà chưa có sự tách biệt theo từng loại tài sản riêng biệt. Với những tài liệu hiện có, Kiểm toán AASC không đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này đến Báo cáo tài chính hợp nhất của HFIC.
Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà thành phố Hồ Chí Minh đang ghi nhận bất động sản đầu tư là toàn bộ tài sản hình thành từ việc góp vốn liên doanh xây dựng 2 công trình Cao ốc Văn phòng 91 Pasteur và 25 bis Nguyễn Thị Minh Khai với giá trị công trình lần lượt là 241,85 tỷ đồng và 502,88 tỷ đồng mà không ghi nhận theo giá trị tài sản thuộc sở hữu của đơn vị tương ứng với tỷ lệ góp vốn của hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Đồng thời, vốn góp nhận từ các bên theo hợp đồng hợp tác kinh doanh đang ghi nhận vào khoản phải trả dài hạn khác. Điều này dẫn đến chỉ tiêu Bất động sản đầu tư và Phải trả dài hạn khác trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất đang phản ánh tăng lên số tiền tương ứng.
Tại thời điểm 31/12/2015 và 31/12/2016, HFIC đang hợp nhất các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết theo phương pháp giá gốc mà không thực hiện theo phương pháp vốn chủ sở hữu bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà Sài Gòn, Công ty Phát triển Căn hộ hướng công viên, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue và Công ty Liên doanh Tháp cao ốc Công viên Nguyễn Du. Với các tài liệu hiện có, Kiểm toán AASC không đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này đến Báo cáo tài chính hợp nhất của HFIC.
Tại ngày 5/8/2016, công ty con của HFIC là Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định chính thức chuyển đổi sở hữu thành công ty cổ phần và chuyển thành công ty liên kết của HFIC. Kiểm toán AASC không đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này đến Báo cáo tài chính hợp nhất vì thiếu nhiều tài liệu.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (công ty liên kết của HFIC) chưa thực hiện định giá lại các khoản đầu tư tài chính khi chính thức chuyển đổi hình thức sở hữu thành công ty cổ phần, do đó, Kiểm toán AASC không đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này đến Báo cáo tài chính hợp nhất của HFIC.
Nhiều vấn đề tài chính còn phải chờ phê duyệt
Ngoài ý kiến kiểm toán ngoại trừ, Kiểm toán AASC cũng nêu ra một số vấn đề cần nhấn mạnh, theo đó, tại thời điểm 31/12/2016, quỹ lương năm 2016 của các công ty con gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh Nhà thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Chiếu sáng công cộng thành phố Hồ Chí Minh chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, chi phí tiền lương được trình bày trên Báo cáo tài chính hợp nhất có thể bị thay đổi khi HFIC được phê duyệt quỹ lương.
Tại ngày lập Báo cáo tài chính hợp nhất, công ty con là Công ty Cổ phần chiếu sáng công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn đã tiến hành cổ phần hóa, tuy nhiên, các công ty này chưa được quyết toán chuyển thể Doanh nghiệp Nhà nước từ các cơ quan có thẩm quyền. Do đó, số liệu Báo cáo tài chính hợp nhất có thể thay đổi khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.
Công ty Cổ phần Chiếu sáng công cộng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh phát sinh khi doanh nghiệp cổ phần hóa trong vòng 10 năm kể từ ngày 1/7/2016, tuy nhiên, việc phân bổ trên khác biệt với Thông tư 200 về Chế độ kế toán, theo đó, lợi thế kinh doanh này được phân bổ tối đa không quá 3 năm.