SCB không phải là đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước
(VNF) - Kiểm toán Nhà nước đã cảnh báo các rủi ro của Ngân hàng SCB, trong đó nổi lên là tăng trưởng tín dụng vượt quá chỉ tiêu, thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phải vay hỗ trợ thanh khoản.
Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tồn tại những rủi ro ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống ngân hàng.
Trả lời báo giới về vai trò, trách nhiệm của hoạt động kiểm toán đối với hệ thống ngân hàng nói chung và vụ việc tại SCB nói riêng, ông Bùi Quốc Dũng - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước - cho biết Ngân hàng SCB là ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước. Vì vậy, theo quy định pháp luật, SCB không thuộc phạm vi, thẩm quyền và không phải là đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, ông Dũng cũng cho hay, dù không trực tiếp kiểm toán SCB nhưng thông qua hoạt động kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Kiểm toán Nhà nước đã chủ động phát hiện, đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị về rủi ro của Ngân hàng SCB tại báo cáo kiểm toán Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra SCB đã tăng trưởng tín dụng vượt quá chỉ tiêu cho phép; thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, phải vay hỗ trợ thanh khoản và vay đặc biệt từ NHNN với khối lượng lớn; cấp tín dụng cho cổ đông là cá nhân với số tiền lớn hơn số vốn góp vào chính tổ chức tín dụng; chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn; chênh lệch thu - chi âm...
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị NHNN rà soát, đánh giá lại chất lượng tài sản bảo đảm của các khoản cho vay đặc biệt; đánh giá, xác nhận khả năng thu hồi nợ gốc, lãi của khoản cho vay đặc biệt SCB, và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định và phù hợp với thực tiễn.
"Có thể nói, với vai trò và chức năng nhiệm vụ trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định, Kiểm toán Nhà nước đã rất chủ động nỗ lực đóng góp trong việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, do các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán nên Kiểm toán Nhà nước không thể kiểm toán, đối chiếu, kiểm tra hồ sơ trực tiếp với các ngân hàng này.
Kiểm toán Nhà nước chỉ có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu thông qua các báo cáo của NHNN dẫn đến các kết quả kiểm tra, đánh giá, cảnh báo và khuyến nghị chỉ mang tính gián tiếp, hiệu quả còn hạn chế", ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, các quy định pháp luật hiện nay có nhiều khó khăn cho vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động giám sát đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong việc giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, thời gian tới, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng có độ mở hơn, tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia sâu, trực tiếp hơn vào việc giám sát hệ thống ngân hàng, nhất là đối với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.
Cùng với đó, cần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng do Kiểm toán Nhà nước phát hiện; theo dõi đôn đốc kịp thời, thường xuyên các kết luận và kiến nghị kiểm toán; có chế tài đủ mạnh đối với trường hợp các đơn vị được kiểm toán không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
"Ngoài ra, cần tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề liên quan đến hoạt động ngân hàng; tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách; chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những rào cản ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để kiến nghị các cơ quan nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương pháp luật", ông Dũng nêu.
Ông Dũng cho biết thêm, mặc dù có những rào cản về cơ sở pháp lý, Kiểm toán Nhà nước vẫn nỗ lực chủ động tham gia tối đa vào việc giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần trong phạm vi và thẩm quyền của mình.
Trong năm 2023, riêng trong lĩnh vực kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành 10 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 599 tỷ đồng,
Tính riêng giai đoạn 2012 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với 5 vụ việc liên quan đến lĩnh vực kiểm toán ngân hàng.
Về SCB, đây là nhà băng được hợp nhất bởi ba ngân hàng: SCB, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa. Nhà băng này có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân và nằm trong nhóm 5 tổ chức tín dụng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường.
Từ giữa tháng 10/2022, NHNN đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Việc này để ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Từ sau khi SCB được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, nhà băng này đã thực hiện đóng cửa nhiều phòng giao dịch tại các tỉnh, thành cả nước.
Hiệp hội Ngân hàng phía Nam cho hay, từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 61 phòng giao dịch tại các tỉnh, thành. Riêng tại TP.HCM, SCB đã chấm dứt hoạt động 37 phòng giao dịch.
NHNN đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “SCB là một trong những ngân hàng có quy mô và tổng tài sản lớn nên việc đưa ra những giải pháp xử lý đòi hỏi thủ tục và quy mô hỗ trợ lớn. Đến nay, ngân hàng SCB vẫn đang hoạt động ổn định và NHNN sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này, tạo điều kiện cho ngân hàng từng bước ổn định và phục hồi hoạt động”.
NHNN tiếp tục kiểm soát đặc biệt DongABank và SCB
- Ngân hàng SCB đóng cửa gần 50 phòng giao dịch 10/04/2024 02:48
- SCB thiệt hại hơn 760.000 tỷ, muốn truy tìm, kê biên tài sản của Trương Mỹ Lan 14/03/2024 06:05
- 'Tuyệt chiêu' xoay vòng bất động sản, rút trăm nghìn tỷ từ SCB của Trương Mỹ Lan 16/03/2024 04:38
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone