Kiến nghị Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

Anh Phan - 02/06/2020 11:26 (GMT+7)

(VNF) - Chiều 1/6/2020, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

VNF
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực phát triển, Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Việc xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội để qui định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn là cần thiết".

Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng. Tuy nhiên, sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho ngân sách nhà nước trong thời gian tiếp theo.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Kết luận một số nội dung, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với một số doanh nghiệp, tuy nhiên cần sửa lại tên gọi và phạm vi của nghị quyết, lấy tiêu chí về doanh thu và lao động làm căn cứ để giảm.

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí việc Chính phủ hoàn chỉnh tờ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn thành báo cáo thẩm tra để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9 này theo trình tự một kỳ họp.

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm gần 4%.

Tổng số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.

Để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thỏa mãn điều kiện giảm thuế, Bộ Tài chính quy định cụ thể doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu không quá 3 tỷ đồng năm 2020, số lao động không quá 10 người; doanh nghiệp nhỏ có doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng, số lao động không quá 100 người.

Bộ Tài chính cho biết, nếu đề xuất này được chấp thuận, ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ giảm thu khoảng 15.840 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, số giảm thu do hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế cho doanh nghiệp hiện tại sẽ góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào giai đoạn tiếp theo do họ có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và được áp dụng ngay trong năm 2020. Tiêu chí xác định đối tượng kết hợp giữa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đảm bảo phù hợp với thực tế và khả năng ngân sách nhà nước cũng như thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính cũng cho biết, mặt trái của việc giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể sẽ gây ra tình trạng lợi dụng chính sách để tránh thuế bằng cách giữ các tiêu chí để được xác định là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhằm hưởng ưu đãi về thuế.

Do đó, để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế.

Cùng chuyên mục
Tin khác