Kinh doanh vàng: Hàng hóa đặc biệt, thương mại có điều kiện

Mai Dung - 29/06/2024 06:00 (GMT+7)

(VNF) - Bất chấp thực tế người dân xếp hàng mua vàng, với nguồn lực đủ, nhà điều hành bình tĩnh hạ giá vàng bán từng ngày với quyết tâm bình ổn thị trường, kiểm soát chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp…

Có hành vi phạm pháp trên thị trường vàng?

Sau 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng mà mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%, nhà điều hành quyết định dừng đấu thầu vàng. Trước khi có công bố chính thức của cơ quan quản lý, thị trường đã rò rỉ thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ triển khai phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM nhà nước).

Và ngày 29/5, Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng chính thức công bố kế hoạch NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 NHTM nhà nước theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới và phương án này được thực hiện ngay lập tức từ ngày 3/6.

Phó thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới khoảng trên 20% cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.

“Song song với hành động NHNN thực hiện bán vàng trực tiếp qua 4 NHTM nhà nước để các ngân hàng bán vàng trực tiếp tới người dân, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các TCTD và doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có)”, Phó thống đốc Phạm Quang Dũng nhấn mạnh.

Rất nhiều ý kiến đồng thuận khi NHNN đã có một hành động bám sát nguyên lý của thị trường, đó là cung - cầu, nhưng đâu đó có quan ngại, liệu nhà điều hành có đủ vàng để cung cấp cho thị trường và đồng thời với đó, thị trường ngoại hối sẽ biến động như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng nhu cầu nhập khẩu vàng của Việt Nam không lớn. Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của nội địa chỉ khoảng 20 - 30 tấn/năm (khoảng 2,5 - 3 tỷ USD), bằng khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả và chỉ bằng 15 - 20% lượng kiều hối vào Việt Nam.

“Chưa kể, nếu giá vàng bằng với giá vàng thế giới thì các công ty kinh doanh vàng mới có thể chế tác vàng trang sức để xuất khẩu, bù vào lượng ngoại tệ đã nhập khẩu vàng, thậm chí, về lâu dài có thể cân bằng (sản xuất vàng trong nước là một thế mạnh của Việt Nam)”, TS Nghĩa nói.

Lời giải cho bài toán cân bằng giá vàng trong nước và quốc tế, theo TS Nghĩa, phải và chỉ có thể là khơi thông thị trường, điều tiết bằng thuế và quản lý xuất nhập khẩu, mua bán công khai minh bạch theo nguyên tắc thị trường. Tình trạng vàng hóa đã biến mất từ lâu nhưng nỗi ám ảnh của nó vẫn còn, nhất là trong khu vực hoạch định chính sách. Đã đến lúc cần phải coi xuất nhập khẩu vàng, kinh doanh vàng chủ yếu là chính sách thương mại có điều kiện, thậm chí kém xa chính sách xuất nhập khẩu xăng dầu.

“Nếu coi vàng là chính sách tiền tệ thì chỉ còn lại việc nhà nước mua vàng dự trữ - như ngân hàng trung ương các nước đang làm. Dự trữ vàng có thể an toàn hơn các ngoại tệ khác trong bối cảnh đa cực, đa dạng đồng tiền thanh toán quốc tế và đặc biệt là phát hành tiền không còn được kiểm soát nghiêm ngặt (qua IMF) như trước đây, mà phụ thuộc rất lớn vào chính sách tiền tệ - tài khóa của mỗi nước”, TS Nghĩa nhấn mạnh.

Ngăn chặn mua vàng để che giấu nguồn gốc tài sản

TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế - Ban Kinh tế Trung ương, nhận định với quy mô của nền kinh tế Việt Nam ngày nay cùng với độ mở lớn của nền kinh tế thì nhu cầu được mua vàng như là một kênh đầu tư, lưu giữ giá trị tài sản trong thời kỳ rủi ro là những nhu cầu chính đáng cần được đáp ứng. Vàng ngày nay hầu như không có bản chất tiền tệ (trừ một tỷ lệ nhỏ được các ngân hàng trung ương dự trữ như một dạng ngoại hối), mà chủ yếu là một dạng hàng hóa cơ bản phục vụ mục đích bảo tồn giá trị tài sản, đầu cơ, trang sức, sản xuất công nghiệp...

“Việc giao cho ngân hàng trung ương độc quyền kinh doanh vàng miếng vào thời điểm này có thể dẫn tới mâu thuẫn với chức năng nhiệm vụ cốt lõi của ngân hàng trung ương là ‘quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối’, ‘ổn định giá trị đồng tiền’, ‘bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia’. Tuy nhiên, với một nền kinh tế mở lớn, dự trữ ngoại tệ chưa cao thì việc tự do hóa hoàn toàn thị trường vàng có thể kích hoạt các hoạt động đầu cơ, gây thất thoát ngoại tệ”, TS Tú Anh nói.

Nghiên cứu mới đây của Đại học Fulbright cũng cho thấy mối quan hệ âm giữa tiêu thụ vàng và cán cân thanh toán. Vì vậy, việc quản lý thị trường vàng khác với các thị trường hàng hóa thông thường khác cũng rất cần thiết. Ngân hàng trung ương có thể không cần thiết độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nhưng cần thiết phải kiểm soát được lượng nhập khẩu và xuất khẩu định kỳ. Các đơn vị được quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng cần phải khai báo với ngân hàng trung ương về số lượng đơn giá xuất nhập khẩu. Ngân hàng trung ương giữ quyền can thiệp khi việc xuất nhập khẩu có thể gây hại cho nền kinh tế.

Theo TS Tú Anh, để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân thì mở sàn giao dịch vàng vật lý với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân là rất quan trọng. Ngân hàng trung ương vừa là nhà quản lý sàn vừa là nhà điều tiết giá giao dịch trên sàn tương tự như thị trường liên ngân hàng. Khi cần tăng cung tiền, hỗ trợ nền kinh tế, ngân hàng trung ương có thể tăng mua vàng trên sàn để huy động nguồn vốn này vào nền kinh tế.

Để hạn chế các hoạt động đầu cơ giá vàng, theo TS Tú Anh, ngân hàng trung ương có thể quy định một khoản phí giao dịch đối với mọi giao dịch mua bán vàng miếng trên thị trường thông qua hóa đơn điện tử. Mức phí này có thể thay đổi theo diễn biến của thị trường.

Cũng theo TS Tú Anh, ngăn chặn hoạt động mua vàng để che giấu nguồn gốc tài sản là một thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh buôn lậu vàng dễ dàng thông qua các nước láng giềng hiện này. Để ngăn chặn được các hoạt động này, yêu cầu là phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là minh bạch hóa mọi giao dịch mua bán vàng, bắt buộc khai báo số định danh cá nhân trong mọi giao dịch mua bán vàng, có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định kinh doanh mua bán vàng, buôn lậu vàng.

“Với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững. Do đó, trước những diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước và thế giới, người dân cần rất thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro cho chính mình”, Phó thống đốc Phạm Quang Dũng khuyến cáo.

Toàn cầu tăng mua vàng dự trữ, giá trong nước tăng lên

Toàn cầu tăng mua vàng dự trữ, giá trong nước tăng lên

Thị trường
(VNF) - Các chuyên gia đều đang lạc quan trước triển vọng tăng giá của vàng khi loạt ngân hàng trung ương trên thế giới có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong tương lai.
Bộ Tài chính đề xuất không mua bán vàng bằng tiền mặt

Bộ Tài chính đề xuất không mua bán vàng bằng tiền mặt

Tiêu điểm
(VNF) - Lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cùng nghiên cứu quy định thanh toán qua tài khoản với giao dịch mua bán vàng, không dùng tiền mặt.
‘Đổ xô mua vàng bình ổn giá, nhiều người đã bị lỗ’

‘Đổ xô mua vàng bình ổn giá, nhiều người đã bị lỗ’

Thị trường
(VNF) - TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia tài chính - ngân hàn cho rằng, chỉ nên mua vàng đầu tư khi giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới.
Cùng chuyên mục
Tin khác