Diễn đàn VNF

Kinh tế Đồng Nai 2024: 'Lấy đầu tư công làm gốc, kích hoạt dòng vốn FDI và tư nhân'

(VNF) - Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance về những cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển trong năm mới.

Kinh tế Đồng Nai 2024: 'Lấy đầu tư công làm gốc, kích hoạt dòng vốn FDI và tư nhân'

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai

- Năm 2023, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Nguyên: Năm 2023, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều gặp rất nhiều khó khăn do nền kinh tế toàn cầu suy giảm dẫn đến chuỗi cung ứng đứt gãy, giá nguyên vật liệu, xăng dầu, cước vận tải tăng cao, lạm phát, biến động tỷ giá, đơn hàng của doanh nghiệp (DN) giảm… kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thật sự bền vững.

Nhưng điều đáng mừng là Đồng Nai đã vượt qua khó khăn và gặt hái được những kết quả rất khích lệ. Theo đó, trong tổng số các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh, có 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết, 14 chỉ tiêu đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Với sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, năm 2023, giá trị tổng sản phẩm GRDP đạt 246.448 tỷ đồng (tăng 5,3% so với cùng kỳ), GRDP bình quân đầu người đạt 139,75 triệu đồng (tương đương 5.996 USD) và thu ngân sách Nhà nước khoảng 58.035 tỷ đồng (đạt 94% dự toán đầu năm). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 114 nghìn tỷ đồng, tăng 12,97% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 24% so với tổng sẩn phẩm quốc nội trên địa bàn tỉnh.

Có được kết quả trên là do từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp khắc phục những hạn chế, chủ động bám sát công việc, tiếp tục đổi mới, linh hoạt sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong tổ chức, điều hành gắn với khôi phục, thúc đẩy phát triển các hoạt động vận hành chuỗi cung ứng trong sản xuất, kinh doanh.

- Đồng Nai hiện đang gấp rút hoàn thành các dự án hạ tầng. Trong năm 2024, Đồng Nai sẽ ưu tiên những dự án nào, thưa ông? Tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp thiết thực nào nhằm tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội?

Trong năm 2024, Đồng Nai sẽ tiếp tục ưu tiên chủ động và phối hợp cùng các cơ quan thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng của quốc gia và của tỉnh như các dự án Đường cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương; các dự án Đường vành đai 3, 4 - TP. HCM đoạn qua Đồng Nai và các tuyến đường tỉnh kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thiết thực nhằm tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội như: Hoàn chỉnh trình phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung nguồn lực lập quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch sử dụng đất để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi thu hút dự án đầu tư, kiên quyết không để xảy ra trường hợp sai lệch giữa các loại quy hoạch gây ách tách, cản trở quá trình đầu tư.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tập trung thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh sẽ quán triệt ngay từ đầu năm để xây dựng chi tiết chương trình công tác. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 là chỉ đạo công tác giải ngân đầu tư công, tỉnh tổ chức lễ ký kết giao ước thi đua giải ngân đầu tư công theo từng quý đến từng chủ đầu tư, các Sở, ngành, địa phương, xã, phường, thị trấn. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương được bố trí vốn năm 2024 phải xây dựng đường găng công việc của từng dự án; theo dõi đôn đốc tiến độ theo tuần, tháng, quý để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc.

Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và UBND tỉnh đã phân cấp việc định giá đất cho UBND các huyện/thành phố, giao Sở Tài chính tập huấn cho các địa phương để công việc định giá đất ngày càng đi vào nề nếp. Ban Bồi thường tỉnh, UBND các huyện, thành phố rà soát cơ cấu tổ chức, bộ máy, con người, năng lực của Trung tâm Phát triển Quỹ đất cấp huyện/thành phố. Rà soát lực lượng địa chính cấp xã, phường, thị trấn có thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để điều động, tăng cường, đảm bảo công tác kiểm kê, chú trọng công tác xác nhận nguồn gốc đất.

UBND các huyện, thành phố rà soát việc triển khai các dự án Khu tái định cư trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu di dời dân khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới.

Các chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị thi công đủ kinh nghiệm, năng lực. Năm 2024, tỉnh Đồng Nai tập trung tối đa đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng, công trình trọng điểm như đã nói trên, nếu sớm hoàn thành sẽ tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, Chính phủ, Đồng Nai rất quan tâm và dồn lực để các dự án trên có thể hoàn thành và đưa vào khai thác theo đúng kế hoạch.

- Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thực tế?

Năm 2024, Đồng Nai đề ra 31 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,5 - 7,0% so với năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt 148 triệu đồng/người, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng 8,0% so với năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 124.000 tỷ đồng và tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao.

Để thực hiện các mục tiêu cả năm 2024, các Sở Ban ngành, địa phương đơn vị phải bám sát và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, các chỉ đạo của Tỉnh ủy và các biện pháp, giải pháp điều hành mà UBND tỉnh đã đề ra.

Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay để tiếp tục kiến tạo và duy trì môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đúng định hướng đề ra. Nhất là các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, các dự án thương mại dịch vụ, logistics gắn với khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nỗ lực tạo lập các khu vực sẵn sàng (nhất là quỹ đất) để thu hút dự án mới, công nghệ cao theo đúng định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, theo hướng giảm phát thải carbon theo đề án của tỉnh.

Cùng với đó, các cấp các ngành trong tỉnh cần tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là trong công tác quản lý quy hoạch, triển khai thực hiện các công trình, dự án lớn có tác động lan tỏa được xác định trong quy hoạch.

Tỉnh tiếp tục phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, trong đó có đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân bằng quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cùng các công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh, các dự án giao thông. Bên cạnh đó là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, thách thức trong công tác giải phóng mặt bằng, về bố trí tái định cư, ưu tiên nguồn lực xây dựng các dự án, khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; quan tâm đầu tư phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản suất và đời sống. Đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân.

Công tác cải cách hành chính, công tác chuyển đổi số, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là ở các cơ quan hành chính nhà nước trong thực thi công vụ và nhiệm vụ tăng cường các biện pháp bảo đảm quốc phòng - an ninh cũng cần được quan tâm triển khai tốt.

- Cùng với hàng loạt dự án lớn đang được triển khai và đi vào hoạt động trong 5 năm tới, ông đánh giá Đồng Nai sẽ đứng trước những cơ hội gì để phát triển?

Trong 5 năm tới, Đồng Nai tiếp tục là điểm đến của DN trong nước, DN nước ngoài vì có nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đưa vào khai thác. Ngoài sản xuất nông nghiêp và công nghiệp thì những lĩnh vực khác như: Thương mại, dịch vụ, logistics, du lịch sinh thái, bất động sản sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Do vậy, để tạo ra động lực mới cho sự phát triển và thực hiện tốt các định hướng chính của tỉnh hiện nay là nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế theo chiều sâu; thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon, xây dựng Đồng Nai trở thành trung tâm công nghiệp, logistics hiện đại, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của Đồng Nai. Muốn làm được như vậy, Đồng Nai cần phải nâng cao tính sẵn sàng trong đón tiếp, thúc đẩy, thu hút đầu tư trên địa bàn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Tin mới lên