Kinh tế nền tảng số: Doanh nghiệp Việt đang thua trên chính sân nhà

Trọng Đạt - 02/03/2020 11:30 (GMT+7)

Phát triển nền tảng số nội là con đường mà các doanh nghiệp trong nước phải đi, nếu không, Việt Nam sẽ bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài.

VNF
Kinh tế nền tảng số đã và đang làm thay đổi nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Kinh tế nền tảng Việt nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại

Cùng với sự nổi lên của nhiều loại hình công nghệ mới, các nền tảng số đang thay đổi mọi mặt của nền kinh tế xã hội. Điều này cũng diễn ra ở Việt Nam khi kinh tế nền tảng đang dần trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc gia.

Kinh tế nền tảng (Platform Economy) là các hoạt động kinh tế xã hội dựa trên một hạ tầng nhất định. Những nền tảng này thường được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số. Từ một nền tảng lớn, nó có thể kéo theo sự phát triển của nhiều nền tảng con như một hệ sinh thái để từ đó “bao vây” khách hàng và tạo ra giá trị.  

Có thể nhận thấy kinh tế nền tảng đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống. Ví dụ nhãn tiền nhất là sự phổ biến của các nền tảng xuyên biên giới như Goolge, Facebook, cùng với đó là các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Go-Viet... Thậm chí, sự xuất hiện của các nền tảng số ngoại đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường trong nước. 

Với thị trường quảng cáo trực tuyến, số liệu của Statista cho thấy, tổng mức chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại nước ta năm 2019 đạt khoảng 316 triệu USD. 

Khoảng gần 200 triệu USD trong tổng số tiền này được đổ vào quảng cáo tìm kiếm, quảng cáo video và quảng cáo mạng xã hội. Đây đều là những mảng thị trường bị thống trị bởi Facebook và Google. Trong khi đó, các công ty quảng cáo trực tuyến trong nước chỉ có thể chia nhau miếng bánh thị phần bé nhỏ còn lại. 

Ở mảng gọi xe công nghệ, Grab đang là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Hãng gọi xe đến từ Malaysia hiện chiếm tới 73% thị phần gọi xe trên di động tại Việt Nam, bỏ xa các đối thủ khác như Be, FastGo, Go-Viet...

Với mảng dịch vụ tài chính, ví điện tử MoMo của Việt Nam là cái tên hiện đang dẫn đầu. Tuy vậy, hãng này cũng chịu sức ép không nhỏ từ sự cạnh tranh của các nền tảng có yếu tố nước ngoài như Moca của Grab hay AirPay của Sea Group.   

Nhìn một cách sơ bộ, có thể thấy tầm ảnh hưởng khá lớn của các doanh nghiệp ngoại tới kinh tế nền tảng tại Việt Nam. Điều này vừa có mặt tích cực, lại vừa có mặt tiêu cực khi mà các doanh nghiệp nền tảng số Việt chỉ vừa mới manh nha thành hình. 

Trong trường hợp các nền tảng ngoại trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, sẽ rất khó để các doanh nghiệp nội có thể bắt kịp, nhất là khi, cuộc chiến cạnh tranh đó phải trả giá bằng rất nhiều tiền. 

Đâu là cơ hội của các nền tảng số Việt Nam?

Chia sẻ với báo giới, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, các doanh nghiệp nền tảng Việt Nam hiện chưa có đủ sức cạnh tranh với các nền tảng nước ngoài. 

Lý do được ông Thành đưa ra bởi các doanh nghiệp Việt thường đi sau, không phải là người nắm giữ công nghệ, cũng không có nhiều vốn, kể cả về nguồn tiền lẫn vốn xã hội (bao gồm thể chế, các mối quan hệ xã hội,...). 

Theo ông Thành, đây chính là những điểm bất lợi mang tính cố hữu của Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đó là điều mà Việt Nam phải thừa nhận chứ không thể ảo tưởng.

Ông Thành cũng cho rằng, đối với những bất lợi này, việc nhận thức được đúng vấn đề là điều kiện đầu tiên để sửa chữa những điểm yếu đó. Nếu sửa được và vươn lên, các nền tảng số Việt Nam vẫn có cơ hội. 

Dù không nhiều, Việt Nam vẫn có một số ít các điểm sáng trong cuộc chiến giữa các nền tảng. Đó là Zalo trong cuộc chiến cạnh tranh với Viber, WhatsApp và Facebook Messenger, là MoMo đang thống lĩnh thị trường ví điện tử, và còn có cả Be bên cạnh Grab, Go-Viet. 

Nói vậy để thấy, không phải Việt Nam đã đi chệch hoàn toàn khỏi làn sóng phát triển nền tảng số trên toàn cầu, dù các doanh nghiệp của chúng ta là những người đến muộn. Những hạn chế kể trên không có nghĩa là Việt Nam không còn cơ hội nào trong cuộc chơi nền tảng.

Theo ông Thành, việc phát triển các nền tảng số nội là con đường mà các doanh nghiệp trong nước phải đi, nếu không, Việt Nam sẽ bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài. Tuy nhiên nếu biết cách, biết hướng làm thì chúng ta vẫn sẽ đi được.

Nếu Việt Nam có những chính sách phù hợp, đây sẽ là thời điểm thích hợp cho các nền tảng nội địa trong nước phát triển. Để làm được điều đó, rất cần có sự đóng góp, các phát kiến mới của những bên liên quan để gây dựng các nền tảng số cho Việt Nam, dù điều này là không dễ dàng. 

Theo ICTNews
Cùng chuyên mục
Tin khác