Ngân hàng

Lãi suất cho vay thấp nhất 20 năm, sẽ bơm 2 triệu tỷ vào nền kinh tế

(VNF) - Tính đến nay, lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn đều đang ở mức rất thấp, thậm chí thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Thông tin này được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, công bố tại họp báo triển triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024.

  • Lãi suất ở mức thấp chưa từng thấy

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5 - 3 điểm % trong năm 2023. So với giai đoạn dịch Covid-19, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đang thấp hơn khoảng 0,5 điểm %.

Lãi suất huy động chạm đáy tạo điều kiện cho lãi suất cho vay giảm. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5% - 2%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Nhờ vậy, tính đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022. “Lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa”, ông Tú chia sẻ.

Ông Đào Minh Tú khẳng định lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng khẳng định: “Lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm hơn 2% so với thời điểm cuối năm 2022. Có thể thấy rằng, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn khá xa so với trước dịch Covid-19”.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay được đánh giá là giảm không đồng tốc với lãi suất huy động. Lý giải về thực trạng này, ông Phạm Chí Quang cho biết 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng lại thuộc trung và dài hạn. 

“Mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong năm qua nhưng 50% dư nợ tín dụng lại nằm ở cho vay trung và dài hạn nên lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động”, ông nói.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất trung và dài hạn 12 tháng hoặc 20 tháng cộng với biên độ cũng ảnh hưởng đến tốc độ giảm của lãi suất cho vay trung và dài hạn.

2 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế

Bước sang năm 2024, tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.

"Về mặt điều hành, nếu giảm được lãi suất thì phải giảm. Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, chuyện điều hành lãi suất còn phải linh hoạt và điều chỉnh dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn", ông Đào Minh Tú cho hay.

Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024. "Con số 15% chỉ là định hướng. Nếu nền kinh tế có nhu cầu và vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô thì sẽ tăng 16%, chứ không dừng lại là 15%", ông Tú nhấn mạnh.

Tổng dư nợ hiện nay đang ở mức khoảng 13,6 triệu tỷ đồng. Nếu mức tăng trưởng 15% của Ngân hàng Nhà nước đạt được đúng kế hoạch, nền kinh tế sẽ được bơm thêm khoảng 2 triệu tỷ đồng và có thể vượt 2 triệu tỷ đồng nếu nhu cầu thực tế của nền kinh tế cao.

Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các gói tín dụng ưu tiên đối với lĩnh vực trọng tâm như sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Song song với đó là kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh.

Tin mới lên