Nhân vật

Làm ăn với Mỹ: Minh bạch, đàng hoàng và lợi ích quốc gia là trên hết

(VNF) - Theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh, muốn làm ăn hiệu quả với Mỹ, phải minh bạch, đàng hoàng. Trong khi đó, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch tổ chức giáo dục EQuest, cho rằng trong quan hệ với bất cứ nước nào, lợi ích quốc gia là trên hết, tương đồng lợi ích là đối tác, xung đột lợi ích là đối tượng. Đây là những phát ngôn đáng chú về quan hệ Việt - Mỹ trong tuần qua.

Làm ăn với Mỹ: Minh bạch, đàng hoàng và lợi ích quốc gia là trên hết

Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

'Muốn làm ăn hiệu quả với Mỹ, phải minh bạch, đàng hoàng'

Trong thời gian qua, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên nhân bởi vì thủ tục và môi trường đầu tư của Việt Nam chưa thuận lợi. Lý do lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực của mình kém, trong khi họ cần nguồn nhân lực trình độ cao, có kỷ luật, làm việc sáng tạo, tận tụy. Vấn đề là Việt Nam phải nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực lên.

"Tốt nhất, nên đàm phán trực tiếp với các tập đoàn đấy và mời họ đến tư vấn, góp ý cho mình là ông cần những người chất lượng như thế nào, ông đề nghị những vấn đề gì… Cần chuẩn bị để đón nhận đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam để sản xuất chip phát triển công nghiệp điện tử như đã được công bố", ông Doanh nói.

Bên cạnh đó, ông Doanh cũng hy vọng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden có thể đem lại động lực mới cho nguồn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới.

Gần đây, có ý kiến nói rằng doanh nghiệp Mỹ bỏ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng nhận định đó chưa chính xác. Đúng ra là họ chuyển một bộ phận sang Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn chứ họ không "bỏ Trung Quốc". "Những nhà đầu tư đã vào Trung Quốc 25-30 năm nay, xây dựng cơ ngơi lớn ở đó rồi không lý do gì họ lại bỏ đi", ông nói.

Để có thể hợp tác hiệu quả với Mỹ, theo ông Doanh, cách tốt nhất là công khai, minh bạch và thẳng thắn hợp tác với họ. "Tôi biết có một công ty dệt may nhập hàng của Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam xuất sang Mỹ, khi được phía Mỹ nhắc nhở thì công ty này lại khẳng định họ tự sản xuất ở Việt Nam. Thế là phía Mỹ điều tra, tìm ra được nhà máy mà công ty này nhập ở Trung Quốc đến đấy xem và phát hiện ra cái máy dệt có lỗi đó. Họ chụp máy móc và lỗi ấy xong họ đến hỏi công ty của Việt Nam, yêu cầu chỉ ra máy có cái lỗi này ở đâu và chỉ cho biết máy mắc lỗi ở nhà máy Trung Quốc như thế nào thì công ty Việt Nam đành chịu. Đấy là cách làm việc của người Mỹ, tức là làm việc một cách thẳng thắn, sòng phẳng", ông Doanh cho hay.

Bên cạnh đó, tiến sỹ Lê Đăng Doang không cho rằng thị trường Mỹ là một “thị trường khó tính”, mà đó thị trường yêu cầu cao về chất lượng. "Mục tiêu là người ta bảo vệ người tiêu dùng, và do đó họ đòi hỏi mình cùng hợp tác với nhau chứ không phải có ý đồ gì xấu, gây khó dễ gì cho mình", ông Doanh nhấn mạnh.

>>>Xem thêm: Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: 'Muốn làm ăn hiệu quả với Mỹ, phải minh bạch, đàng hoàng'

Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ: 'Lợi ích quốc gia là trên hết'

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch tổ chức giáo dục EQuest, cho biết cách đây 20 năm, khi ông ở Mỹ, dư âm của chiến tranh vẫn còn khá mạnh và là lý do chia rẽ giữa các thế lực chính trị cũng như chính giữa cộng đồng người Việt ở Mỹ và Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, lấy chuyện quá khứ, chuyện chiến tranh ra để làm con bài mặc cả hoặc lợi dụng mặc cảm có tội… không còn hiệu quả nữa.

"Chắc chắn là người Nhật căm thù Mỹ vì hai quả bom nguyên tử của Mỹ đã giết chết mấy trăm nghìn người Nhật trong tích tắc. Nhưng ngay sau khi chiến tranh kết thúc, họ đã bắt tay nhau để tái thiết Nhật Bản, quan hệ hai nước được nâng thành đồng minh chiến lược, nhờ đó Nhật Bản phát triển thành một cường quốc kinh tế", ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của mọi quốc gia là lợi ích. Giới ngoại giao luôn tâm niệm: “không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Ông Chiến cho rằng trong quan hệ với bất cứ nước nào, lợi ích quốc gia là trên hết, tương đồng lợi ích là đối tác, xung đột lợi ích là đối tượng.

Ông Bạch Ngọc Chiến đánh giá, việc hai nước đã chính thức nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện là đưa cái danh nghĩa tương xứng với thực chất và là một hành động rất đúng lúc, phù hợp với các diễn biến của địa chính trị và địa kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Lợi ích đầu tiên mà Việt Nam cần nhất liên quan đến an ninh và quốc phòng, chẳng hạn trong vấn đề vũ khí. Đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí, có cơ hội mua được các vũ khí, khí tài hiện đại, tiếp cận công nghệ hiện đại có thể ứng dụng cả trong dân sự lẫn quân sự.

>>>Xem thêm: Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ: 'Lợi ích quốc gia là trên hết'

‘Không gian và dư địa hợp tác kinh tế Việt - Mỹ còn rất nhiều’

Đánh giá về quan hệ kinh tế, thương mại Việt – Mỹ trong những năm qua, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, cho biết, nếu 10 năm trước (năm 2013), khi Việt nam xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện, thương mại hai chiều giữa hai nước mới đạt khoảng 35-36 tỷ USD, đến hiện tại con số đó trên 123 tỷ USD, tăng gần gấp 4 lần. Đây là câu chuyện cho thấy dư địa hợp tác giữa hai nền kinh tế còn rất nhiều và mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Cũng theo ông Vinh, khi Việt Nam hợp tác với Mỹ, nhiều quan điểm đã bày tỏ sự nghi vấn: Liệu Việt Nam có hợp tác với Mỹ được không khi mà nguồn lực, cơ sở vật chất, trình độ khoa học kỹ thuật cách quá xa nhau. Nhưng, thực tế đã chứng minh là hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ có tính chất tương hỗ cho nhau nên vấn đề hợp tác phát triển đã mang lại những kết quả rất tốt. "Nền kinh tế Mỹ cần những hàng hóa của mình thì họ mới mua và ngược lại, mình cũng như vậy. Do đó tạo được đà tăng trưởng thương mại giữa hai nước", ông Vinh nhấn mạnh.

Nhấn mạnh thêm việc hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ có tính chất tương hỗ cho nhau, chứ không cạnh tranh, triệt tiêu nhau, ông Vinh cho hay: "Chẳng hạn như phía Mỹ cần những hàng hóa liên quan đến dệt may, giày da, cá basa… Còn Việt Nam cần công nghệ, dịch vụ và kỹ thuật hiện đại của họ. Đây là câu chuyện giữa hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau. Nên không gian và dư địa hợp tác còn rất nhiều".

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, thị trường Mỹ là một thị trường rộng lớn, tiềm năng để khai thác còn rất nhiều. Trong những năm vừa qua, tăng trưởng thương mại mỗi năm từ 17% đến 19%. Như vậy là khai thác sự tương hỗ giữa hai nền kinh tế còn dư địa rất lớn.

Về tương lai hợp tác giữa hai nước, ông Vinh cho rằng đầu tiên phải kể đến quá trình chuyển đổi của nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam và Mỹ, bao gồm chuyển đổi số, kinh tế xanh, khoa học, công nghệ sáng tạo. Nếu chúng ta làm tốt những lĩnh vực này này thì thế mạnh của Mỹ và Việt Nam được khai thác, tạo nhiều dư địa hợp tác.

>>>Xem thêm: Đại sứ Phạm Quang Vinh: ‘Không gian và dư địa hợp tác kinh tế Việt - Mỹ còn rất nhiều’

'Doanh nghiệp nhà nước đang phải hoạt động trong một không gian không được tròn trịa và toàn vẹn'

Trao đổi với VietnamFinance về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa hiệu quả, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng một chiều, ví dụ như trong cổ phần hóa và thoái vốn, hầu như chỉ bán đi rồi thôi, cái gì chưa bán thì đọng ở đấy, không hiệu quả.

Ông Hiếu cũng chia sẻ, tại hội nghị các doanh nghiệp niêm yết hàng năm, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư cho rằng, phần vốn của Nhà nước trên thị trường chứng khoán hiện chiếm khoảng 1/3 giá trị cổ phần trên thị trường chứng khoán, song gần như hoàn toàn “đóng băng”, chỉ khi nào bán ra thì xả một loạt rồi “đứng im”, không có mua bán, giao dịch. Người mua rất muốn mua nhưng đành chịu, rất không hiệu quả dưới góc độ của nhà đầu tư.

Theo ông Hiếu, điều này cho thấy tư duy cải cách đang rất cứng nhắc. "Vốn nhà nước cũng là đồng vốn bình thường, làm sao gia tăng hiệu quả đồng vốn là mục tiêu đặt ra hiện nay trong hoạt động quản lý và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Song để làm được điều này, yếu tố đầu tiên đặt ra là cải cách doanh nghiệp nhà nước phải mang tính “động”, chứ không thể chỉ duy trì trạng thái “tĩnh” như hiện nay", ông nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng thực tế, doanh nghiệp nhà nước có hai vai trò chính. Thứ nhất, thuần tuý là kinh tế, tức là hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ hai, giao cho doanh nghiệp nhà nước nhiệm vụ chính trị, như bình ổn giá, cân đối vĩ mô hoặc được sử dụng như một công cụ để can thiệp vào nền kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, hai vai trò này không được tách bạch một cách rõ ràng. Cho nên, khi làm chính sách đã dẫn đến câu chuyện phải tư duy theo cách nửa kinh tế, nửa công cụ quản lý của nhà nước. Điều này có nghĩa quá trình vận hành của doanh nghiệp không được “mở” hoàn toàn, khi thuận lợi thì được “mở ra” nhưng khi có nhiệm vụ chính trị thì “phanh lại”.

"Như vậy, doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong một không gian không được tròn trịa và toàn vẹn. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh cũng như quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp", ông Hiếu nói.

Do đó, ông Phan Đức Hiếu đề nghị phải có sự tách bạch rõ ràng giữa vai trò thuần tuý là kinh tế của doanh nghiệp nhà nước và vai trò như một công cụ để nhà nước sử dụng can thiệp vào nền kinh tế. Hai cách quản lý này phải rất khác nhau. Còn nếu không tách bạch được thì doanh nghiệp nhà nước rất khó phát triển.

>>>Xem thêm: Đầu tư vốn nhà nước chuyên nghiệp: Tách bạch hiệu quả kinh doanh với công cụ chính sách

'Việt Nam đang có vị thế đặc biệt để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ'

Trước vấn đề tại sao Mỹ lại quan tâm đến Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, là do chính sách phát triển kinh tế hướng về Á Đông của Mỹ. Vùng phát triển kinh tế tương lai thế kỷ này và thế kỷ tới là Vùng phát triển kinh tế tương lai Bắc Á - Nam Á, từ Nhật Bản, tới Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Asian, Băng ladesh, Pakistan, Ấn Độ, hơn ½ dân số thế giới, hơn ½ GDP thế giới. Đây là vùng phát triển tiềm năng của cả thế giới và Mỹ ủng hộ điều này.

Đặc biệt, Việt Nam lại là trung tâm của các vùng phát triển. Đơn giản lấy Việt Nam làm tâm, bay 4 giờ đồng hồ tới Tokyo, 4 giờ tới Ấn Độ. Nếu đi đường biển, từ cảng Vân Phong thì 7.000 dặm là tới Nhật, 7.000 dặm cũng cũng tới Ấn Độ. Việt Nam hiện đang là trung tâm chiến lược của cả khu vực.

Bên cạnh đó, trên cung đường phát triển tương lai ở Châu Á, thì Nhật đã phát triển, hàng chục quốc gia châu Á cũng phát triển khá tốt, Việt Nam đang trên đà phát triển nên còn rất nhiều tiềm năng lớn. 

Việt Nam đang có vị thế bang giao với hơn 20 quốc gia lớn trên toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có dân số trên 100 triệu dân.

Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong lần đến Việt Nam đã ngỏ ý Mỹ muốn hợp tác phát triển công nghệ cao với Việt Nam - công nghệ bán dẫn.

Mỹ đánh giá Việt Nam có thể phát triển ngành này tốt. Nguyên liệu ngành bán dẫn - đất hiếm, hiện hàng đầu thế giới là Trung Quốc, số 2 Việt Nam, hợp tác với Việt Nam sẽ giải bài toán độc quyền của Trung Quốc.

"Như vậy, xét trên nhiều mặt như hàng không, hàng hải, vị thế trung tâm, công nghệ bán dẫn… Việt Nam đang có vị thế đặc biệt để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ, cũng như từ các cường quốc kinh tế thế giới đón đầu tương lai phát triển từ Châu Á. Hơn 1 năm qua các bộ ngành của Mỹ đã nghiên cứu, và chuyến đi này của Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng mang lại những kết quả hợp tác tốt đẹp. cho cả 2 quốc gia", ông nói.

>>>Xem thêm: Chuyên gia Bùi Kiến Thành: 'Việt Nam đang có vị thế đặc biệt để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ' 

Tin mới lên