Lạm phát cao trở lại, Ngân hàng Nhà nước hút ròng liên tục 86.000 tỷ đồng để kiểm soát cung tiền

Minh Tâm - 19/02/2020 08:48 (GMT+7)

(VNF) - Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc Ngân hàng Nhà nước tăng cường thực hiện hút ròng tiền về thời gian gần đây là nhằm mục đích kiểm soát cung tiền trong bối cảnh lạm phát đang dần tăng cao trở lại.

VNF
Lạm phát cao trở lại, Ngân hàng Nhà nước hút ròng liên tục 86.000 tỷ đồng để kiểm soát cung tiền

Ngân hàng Nhà nước hút ròng liên tục 86.000 tỷ đồng

Thống kê cho thấy tuần từ 10/2 đến 14/2, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hút ròng 25.000 tỷ đồng qua thị trường mở.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành mới 25.000 tỷ đồng tín phiếu mới (kỳ hạn 91 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,65%) và không có lượng tín phiếu đáo hạn nào.

Trên kênh OMO, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào.

Dữ liệu cho thấy liên tục từ ngày 20/1 đến ngày 14/2, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 86.000 tỷ đồng. Trước đó, từ đầu năm đến trước ngày 20/1, cơ quan này không thực hiện hoạt động bơm - hút tiền nào.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc Ngân hàng Nhà nước tăng cường thực hiện hút ròng tiền về thời gian gần đây là nhằm mục đích kiểm soát cung tiền trong bối cảnh lạm phát đang dần tăng cao trở lại.

Trong báo cáo nhận định về lạm phát tháng 2/2020, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 sẽ đạt mức tăng 5,11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lạm phát bình quân ước đạt 5,77%. Lạm phát cơ bản bình quân ước đạt 2,96%.

Chuyên gia của KBSV nhận định, lạm phát và lạm phát cơ bản bình quân, ít nhất trong quý I/2020, đều ở mức cao so với kế hoạch đặt ra đầu năm của Chính Phủ.

"Do vậy, dư địa để Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn vẫn rất hạn chế. Đây là cơ sở chính để chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không có động thái nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2020 để hỗ trợ tăng trưởng như các ngân hàng trung ương khác trong khu vực", báo cáo của KBSV viết.

Bước sang nửa sau năm 2020, mức tăng CPI bình quân nhiều khả năng sẽ dần hạ nhiệt do mức nền cùng kỳ năm 2019 bắt đầu chịu ảnh hưởng của giá thịt heo cao. Do đó, KBSV duy trì dự báo CPI bình quân năm 2020 tăng 3,7%.

Thanh khoản dư thừa, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hút ròng?

Liên quan đến thị trường liên ngân hàng, tuần qua, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần.

Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt 0,3 điểm%; 0,2 điểm% và 0,3 điểm% xuống mức 2%/năm; 2,3%/năm và 2,32%/năm.

Chuyên gia của BVSC đánh giá, trạng thái dư thừa thanh khoản đang tiếp tục khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Với diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục hút ròng trên thị trường mở trong các tuần tới.

Về tỷ giá, tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 14 VND lên mức 23.215 VND/USD, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng tăng 13 VND lên mức 23.245 VND/USD.

"Đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh trên thế giới gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Diễn biến dịch bệnh có thể sẽ khiến tỷ giá tiếp tục tăng, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng áp lực mất giá mạnh của VND trong cả năm 2020 sẽ không quá lớn, tối đa chỉ khoảng 2-3%", chuyên gia của BVSC dự đoán.

Cùng chuyên mục
Tin khác