Lần đầu tiên, Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77%

Lê Nguyên - 07/12/2020 10:49 (GMT+7)

(VNF) - Đây là thông tin do Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Nho Trung, nêu ra.

VNF
Lần đầu tiên trong lịch sử, Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77%

Sáng nay (7/12), HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 16. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho biết năm 2020, lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của thành phố âm 9,77%, thu ngân sách chỉ đạt 70%.

Bên cạnh đó, một số chủ trương lớn của thành phố chưa được triển khai hiệu quả, việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, giải ngân đầu tư công dù đã rất nỗ lực nhưng đến thời điểm này còn khá khiêm tốn so với kế hoạch…

Ngoài ra, các bức xúc kéo dài trên một số lĩnh vực đời sống xã hội như: ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, ùn tắc giao thông… chưa được xử lý dứt điểm; trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; tinh thần trách nhiệm trong một số cán bộ, công chức chưa cao…

Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020, Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021.

Kịch bản 1 là ngay từ đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt 8,5% - 9%. Tổng giá trị tăng thêm của các khu vực: dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tương đương với kết quả năm 2019.

Tốc độ tăng của dịch vụ là 7% - 8%; công nghiệp và xây dựng là 8% - 9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3% - 4%. Trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức trên 20% (vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống) và trên 10% (hoạt động dịch vụ khác và một số ngành công nghiệp khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8% - 9%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 7,5 - 8 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa khoảng 4,5 - 5 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 150% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 8,5% - 9%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.600 tỷ đồng.

Đối với kịch bản 2, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi chậm và bắt đầu tăng tốc từ quý III/2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt trên khoảng 5% - 6%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt thấp hơn năm 2019 và cao hơn năm 2018.

Tốc độ tăng của dịch vụ là 4-5%; công nghiệp và xây dựng là 7-8%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%. Trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức khoảng 10% như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động dịch vụ khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7-8%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa khoảng 4 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 70% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng khoảng 6%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.240 tỷ đồng.

Đối với kịch bản 3, năm 2021, kinh tế thành phố vẫn phục hồi chậm, chỉ có thể tăng tốc từ quý IV/2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt khoảng 3% - 3,5%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt xấp xỉ năm 2018. Tốc độ tăng của dịch vụ là 2% - 3%; công nghiệp và xây dựng là 5% - 6%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3% - 4%.

Trong đó, hầu hết các ngành đều tăng trưởng ở mức thấp, một số ngành có thể tiếp tục tăng trưởng âm do chưa thể phục hồi và tiếp tục nhận tác động tiêu cực từ Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6% - 7%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó hầu hết là khách nội địa; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng 7% - 10% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 3% - 4%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. 

Qua đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố, ông Hồ Kỳ Minh cho rằng kịch bản 1 là lý tưởng, song hiện vẫn có 400 - 500 nghìn người mắc bệnh Covid-19 và 6 -7 nghìn người tử vong mỗi ngày trên thế giới nên kịch bản 3 cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, kịch bản 2 là lựa chọn phù hợp; đồng thời khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, thành phố sẽ phấn đấu để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng theo kịch bản 1.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.