Lên sàn UPCoM với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, Viettel Global kinh doanh ra sao?

Thanh Long - 20/09/2018 15:04 (GMT+7)

(VNF) - Trong số 3 khu vực Viettel Global đầu tư, năm 2017, thị trường châu Phi có mức tăng trưởng mạnh nhất, đạt 33,3%. Con số này ở thị trường châu Mỹ La-tinh là 12,4% và thị trường Đông Nam Á là 1,61%.

VNF
Lên sàn UPCoM với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, Viettel Global kinh doanh ra sao?

Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 25/9 tới, hơn 2,24 tỷ cổ phiếu VGI của Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) sẽ chính thức lên sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, giá trị vốn hóa ngay khi lên sàn của Viettel Global sẽ đạt 33.645 tỷ đồng.

Viettel Global thành lập tháng 10/2007 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0102409426 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 24/10/2007, trong đó Tập đoàn Viettel chiếm 51%. Mục tiêu kinh doanh chính của Viettel Global là đầu tư vào các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động; nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng quy mô thị trường chuẩn bị cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất.

Sau hơn 10 năm hoạt động, vốn điều lệ của Viettel Global tăng từ 960 tỷ lên 22,44 nghìn tỷ đồng, doanh thu tăng hơn 500 lần; lợi nhuận tăng hơn 300 lần; vốn chủ sở hữu tăng 45 lần lên 32.562 tỷ đồng; lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 7%; quy mô thị trường đạt 210 triệu người (gấp 2,2 lần so với dân số Việt Nam).

Viettel hiện đang nắm 98,68% vốn điều lệ của Viettel Global.

Hiện Viettel Global đã đưa vào kinh doanh 9 công ty viễn thông tại 9 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh với tổng doanh thu năm 2017 là 19.023 tỷ đồng. Phía Viettel Global cho biết, 7/9 thị trường đã có lãi, 2 thị trường còn lại mới đầu tư là Tanzania và Myanmar có tiềm năng phát triển lớn.

Tổng công ty này thông tin thêm, riêng thị trường Peru do Viettel Global trực tiếp quản lý và vận hành kinh doanh nhưng kết quả kinh doanh chưa được tính vào Viettel Global do chính phủ nước này quy định chủ đầu tư phải đứng tên Tập đoàn Viettel, mặc dù đây là thị trường có lãi lớn nhất năm 2017.

Trong số 3 khu vực Viettel Global đầu tư, thị trường Châu Phi có mức tăng trưởng mạnh nhất, đạt 33,3%, tập trung vào 3 thị trường gồm: Cameroon tăng trưởng 55%, đóng gớp 37% vào doanh thu tăng thêm của Châu Phi; Tanzania tăng trưởng 37%, đóng góp 22%; Mozambique tăng trưởng 14%, đóng góp 29%.

Thị trường Đông Nam Á được Viettel Global lựa chọn và chú trọng đầu tư ngay từ những năm đầu thành lập và cho đến nay đã đem lại mức doanh thu ổn định, chiếm trên 30% tổng doanh thu trên các thị trường.

Doanh thu đến từ thị trường Châu Mỹ La-tinh chỉ chiếm tỷ trọng trên dưới 11% trong tổng doanh thu, tuy nhiên, theo nhận định của Viettel Global, thị trường này có tốc độ tăng trưởng tốt và dung lượng thị trường còn lớn. "Do vậy khả năng doanh thu và lợi nhuận từ thị trường này đem lại vẫn sẽ tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới", phía Viettel Global cho hay.

Về vấn đề lỗ tại thị trường nước ngoài, Viettel Global dẫn giải rằng đặc điểm của đầu tư viễn thông là giá trị đầu tư lớn, dự án nước ngoài thường chịu lỗ kế hoạch trong 3-4 năm đầu kinh doanh do chi phí vận hành khai thác và khấu hao lớn trong giai đoạn đầu khai thác. Thời gian thu hồi vốn đầu tư dài, thông thường khoảng 5-13 năm tùy từng tính chất, điều kiện thị trường và khu vực (Châu Á: 5-6 năm; Châu Mỹ: 8-10 năm và Châu Phi: 12-13 năm).

"3 thị trường là Lào, Campuchia và Đông Timor đã hoàn vốn đầu tư và vận hành hiệu quả", phía Viettel Global tiết lộ.

Tuy mất nhiều năm để hoàn vốn nhưng theo Viettel Global, hiệu quả kinh tế của các dự án viễn thông thường cao (IRR bình quân các dự án viễn thông trên thế giới khoảng 12-15%), do bên cạnh việc thu hồi vốn từ dòng tiền sản xuất kinh doanh của dự án thì nhà đầu tư còn thu hồi vốn từ việc chuyển nhượng công ty bao gồm tài nguyên tần số, hạ tầng và thuê bao. Theo thống kê, đối với dự án viễn thông đã đi vào ổn định thì giá trị chuyển nhượng công ty lớn hơn giá trị đầu tư gấp nhiều lần.

Năm 2018, Viettel Global đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 20.977 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục duy trì lợi nhuận trước thuế hợp nhất dương, dự kiến đạt 49,7 tỷ đồng, tăng 85,72% so với thực hiện năm 2017, "ngay cả khi phải tập trung chi phí lớn tại thị trường mới Myanmar nhằm mục đích đầu tư hạ tầng mạng lưới và bắt đầu kinh doanh" - theo lời của phía Viettel Global.

Cùng chuyên mục
Tin khác