Tài chính cá nhân

Lịch sử giá cổ phiếu TCB và những thông tin cần biết

Giá cổ phiếu TCB dao động theo chiều hướng giảm dần đến cuối tháng 3/2020. Sau đó, giá cổ phiếu TCB tăng nhanh trở lại cho đến hiện nay.

Lịch sử giá cổ phiếu TCB và những thông tin cần biết

Lịch sử giá cổ phiếu TCB và những thông tin cần biết

Cổ phiếu TCB là của công ty nào?

Cổ phiếu TCB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được giao dịch trên sàn chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Thông tin khái quát về Techcombank

Tên tiếng Việt: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam.

Tên tiếng Anh: VietNam Technological and Commercial Joint-Stock Bank.

Tên giao dịch: Techcombank.

Tên viết tắt: Techcombank.

Giấy phép đăng ký kinh doanh số: 0100230800, đăng ký lần đầu ngày 07/09/1993.

Sửa đổi lần thứ 52 ngày 19 tháng 01 năm 2021.

Vốn điều lệ: 35.049.062.300.000 đồng.

Địa chỉ: Tòa nhà Techcombank – 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. 

Số điện thoại: (+84) (243) 944 6368 

Fax:  (+84) (243) 944 6395 

Website: www.techcombank.com.vn 

Mã cổ phiếu: TCB

Quá trình hình thành và phát triển

Năm 1993: Thành lập với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Năm 2001: Triển khai hệ thống phần mềm ngân hàng lõi Globus theo tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2003: Tham gia hệ thống thanh toán thẻ toàn cầu thông qua thẻ F@st Access - Connect 24.

Năm 2006: Tham gia “câu lạc bộ” các ngân hàng có tài sản trên 1 tỷ USD.

Năm 2008: Thành viên sáng lập liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam Smartlink; Ra mắt thẻ tín dụng Techcombank Visa.

Năm 2009: Khẳng định vị trí ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu với vốn điều lệ lên 5.400 tỷ đồng; tổng tài sản đạt mức 95.000 tỷ đồng và là ngân hàng đầu tiên hợp tác với nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới McKinsey.

Năm 2011: Trở thành ngân hàng thường mại cổ phần lớn thứ 2 Việt Nam với quy mô tổng tài sản 180.000 tỷ cùng 307 chi nhánh trên toàn quốc.

Năm 2012:  Ngân hàng đi đầu về giao dịch ATM không cần thẻ đến hơn 2,8 triệu khách hàng.

Năm 2015: Top 2 ngân hàng có doanh số thanh toán thẻ Visa lớn nhất thị trường với 4,2 triệu khách hàng.

Năm 2016: Lợi nhuận 2016 tăng trưởng gấp đôi so với năm trước.

Năm 2017: Duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi đạt 8.036 tỷ đồng.

Năm 2018: Chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM với mã cổ phiếu TCB, giá trị vốn hóa tại thời điểm niêm yết 6,5 tỷ USD. 

Top 3 thương vụ IPO lớn nhất thị trường Đông Nam Á năm 2018. 

Tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên mức 34.965,9 tỷ đồng.

Là ngân hàng cổ phần tư nhân đầu tiên vượt mức lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. 

Năm 2019:  Lợi nhuận trước thuế cán mốc kỷ lục trên 12.000 tỷ đồng và đón thêm 1 triệu khách hàng mới. 

Năm 2020: Tạo ra hệ sinh thái các tiện ích toàn diện với trải nghiệm đa kênh end-to-end trên nền tảng số lần đầu tiên tại Việt Nam. 

Tỷ lệ CASA 46,1% đứng số 1 thị trường, tổng huy động CASA lần đầu tiên vượt 100.000 tỷ đồng;  ROA cao nhất toàn ngành ngân hàng, ở mức 3,1%. 

Ai là cổ đông nắm giữ nhiều cố phiếu TCB nhất?

Hiện nay, khối lượng cổ phiếu TCB đang được niêm yết trên sàn chứng khoán là 3.510.914.798 cổ phiếu.

Cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan với tỷ lệ sở hữu 15%. Cổ đông Nguyễn Thị Thanh Thủy và cổ đông Nguyễn Thị Thanh Tâm, vợ và mẹ của ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank), với tỷ lệ sở hữu đều là 4,98%. Xếp thứ ba là cổ đông Hồ Anh Minh, con ông Hồ Hùng Anh với tỷ lệ sở hữu 3,95%.

Lịch sử giá cổ phiếu TCB qua các năm

Lịch sử giá cổ phiếu TCB
Lịch sử giá cổ phiếu TCB qua các năm. Nguồn đồ thị: TVSI

Lịch sử giá cổ phiếu TCB qua các năm. Nguồn đồ thị: TVSI

Giá cổ phiếu TCB sau khi được niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2018 dao động theo chiều hướng giảm dần cho đến cuối tháng 3/2020. Sau đó, giá cổ phiếu TCB tăng trở lại với tốc độ nhanh và biên độ lớn cho tới nay.

Tại ngày 10/11/2021, giá cổ phiếu TCB là 52.300 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu TCB thấp nhất là bao nhiêu?

Giá cổ phiếu TCB thấp nhất vào ngày 30/03/2020 với giá 14.900 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh).

Giá cổ phiếu TCB cao nhất là bao nhiêu?

Giá cổ phiếu TCB cao nhất vào ngày 05/07/2021 với giá 58.000 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh).

Có nên mua cổ phiếu TCB không?

Tình hình kinh doanh của Techcombank

Techcombank vững vàng giữ vị trí thứ 3 trong danh sách những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 15,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 23,1%) với tổng thu nhập hoạt động đạt 27,0 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 28,4%) 

Ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu 21 quý liên tiếp.

Đi sâu hơn, thu nhập từ hoạt động kinh doanh năm 2020 của Techcombank đã đạt mức tăng trưởng 28,4% so với năm trước, tương đương với mức doanh thu là 27 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu thu nhập hoạt động tiếp tục thể hiện sự thay đổi lành mạnh giữa thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng 28,8% trong năm 2020 mặc dù hoạt động kinh doanh bị đình trệ ở một số doanh nghiệp và phân khúc khách hàng nhất định trong bối cảnh chịu tác động bởi Covid-19. Thu nhập từ phí liên quan đến trái phiếu đóng góp tỷ trọng cao nhất (51,6%) trong cơ cấu tổng thu nhập hoạt động dịch vụ trong khi ngân hàng tiếp tục hỗ trợ một số khách hàng doanh nghiệp lớn của mình tiếp cận nguồn vốn trên thị trường trái phiếu.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt mức kỷ lục mới 46,1%. Dẫn đầu thị trường về tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROA) với 3,1%. Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II ở mức rất cao là 16,1%.

Tại thời điểm 31/12/2020, số dư tiền gửi khách hàng của Techcombank đạt 277.459 tỷ đồng, tăng trưởng 20,0% so với năm 2019 chủ yếu đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ 60,6% của tiền gửi không kỳ hạn thông qua việc liên tục cải tiến, đưa ra các giải pháp mới để đẩy mạnh phát triển các nền tảng kỹ thuật số nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao từ khách hàng. Sự chuyển dịch ngày càng mạnh mẽ qua các ứng dụng trực tuyến được thể hiện qua số lượng khách hàng cá nhân sử dụng e-banking tăng 42,9% so với cùng kỳ, số lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch tăng tương ứng 108,8% và 84,2%. Đây là những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng liên tiếp và kỷ lục mới về tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn 46,1% vào cuối năm 2020. Đồng thời trong bối cảnh lãi suất huy động của thị trường có sự điều chỉnh giảm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi có kỳ hạn đã được Ngân hàng chủ động điều tiết giảm nhẹ nhằm tối ưu hóa nguồn vốn thặng dư và biên thu nhập lãi thuần. 

Trong năm 2020, Techcombank tiếp tục duy trì bảng cân đối tương đối bền vững. Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 31/12/2020 đạt 439.603 tỷ đồng, tăng 55.903 tỷ đồng tương đương 14,6% so với ngày 31/12/2019. Trong đó, cho vay và đầu tư trái phiếu của tổ chức kinh tế tăng 62.583 tỷ đồng ( tăng24,0%), huy động và phát hành giấy tờ có giá tăng 56.601 tỷ đồng (tăng 22,8%) so với năm 2019. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của huy động không kỳ hạn trong cơ cấu huy động vốn, chiếm 46,1% tổng huy động khách hàng tại cuối năm 2020, đã góp phần tối ưu hóa chi phí huy động.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản tiếp tục được duy trì lành mạnh, thể hiện ở tỷ lệ nợ nhóm 3 đến nhớm 5 giảm từ 1,3% xuống 0,5% nhờ thận trọng thực hiện xử lý 3.364 tỷ đồng các khoản nợ quá hạn. Lợi nhuận tăng trưởng tốt giúp tổng vốn và các quỹ năm 2020 tăng 12.542 tỷ đồng (tương đương 20,2%) so với năm 2019.

Lũy kế 9 tháng năm nay, mức lợi nhuận trước thuế mà Techcombank đạt được lên đến 17.098 tỷ đồng, tăng tới 60% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ở mức thấp, chỉ 0,57%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao là 184%.

Cần bao nhiêu tiền để mua cổ phiếu TCB?

Sàn HoSE hiện nay chỉ cho phép mua tối thiểu 100 cổ phiếu/lần mua. Với giá cổ phiếu TCB tại ngày 10/11/2021 là 52.300 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư cần chi ra ít nhất 5.230.000 đồng/lần mua.

Định hướng phát triển của Techcombank

Ngân hàng đặt mục tiêu chuyển đổi cho 5 năm tiếp theo bằng việc đầu tư vào ba trụ cột chính, gồm Dữ liệu, Số hóa và Nhân tài. Trong bối cảnh đó, Khối Dữ liệu và Phân tích (DnA) được thành lập vào tháng 10 năm 2020 với độ ngũ nhân tài đẳng cấp thế giới, có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế, tại nhiều ngân hàng hàng đầu và các công ty nằm trong Top 10 do Fortune bình chọn. Sự thành lập Khối Dữ liệu và Phân tích giúp Techcombank kỳ vọng “tạo ra sự khác biệt” so với các đối thủ còn lại. Quan trọng hơn, coi dữ liệu là trọng tâm chiến lược cũng giúp Techcombank am hiểu và phục vụ khách hàng tốt hơn dựa trên nhu cầu của họ. 

Về dữ liệu, để có thể bảo vệ được dữ liệu của cả khách hàng và ngân hàng, bộ phận Quản trị dữ liệu có nhiệm vụ xây dựng các tiêu chuẩn, chính sách và quy trình quản trị dữ liệu, kết hợp chiến lược an ninh thông tin và các chương trình quản trị dữ liệu cũng như đảm bảo các thông số chất lượng dữ liệu trên toàn hàng.

Về số hóa, Techcombank đã hoàn thành các bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng cho sự ra mắt của nền tảng công nghệ hoàn toàn mới trong 2021. Techcombank đã xây dựng văn phòng làm việc và áp dụng cách thức làm việc mới theo phương pháp Agile. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Techcombank trên hành trình thực thi và khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực số hóa.

Về đào tạo và phát triển nhân tài, Techcombank đã xây dựng thành công văn hóa học tập và phát triển để thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp của cán bộ nhân viên. Bất chấp tình hình đầy thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra vào năm 2020, Techcombank vẫn tiếp tục đầu tư vào đào tạo và nâng cao kỹ năng cho cán bộ nhân viên của mình, chuyển hướng sang E-learning một cách nhanh chóng bằng cách thiết kế một số khóa học nội bộ trên nền tảng số, cho phép cán bộ nhân viên học tập một cách an toàn và thuận tiện. Số giờ đào tạo trung bình của mỗi cán bộ nhân viên tăng 29%.

Theo đó, mỗi cán bộ nhân viên hoàn thành trung bình 71 giờ đào tạo trên lớp và các khóa học E-Learning. Tổng số giờ đào tạo năm 2020 là 897.792 giờ, tăng 34% so với năm 2019. Số giờ học trực tuyến tăng đáng kể, lên tới 142%. Điều này giúp Techcombank  giảm 40% chi phí đào tạo, tiết kiệm cho ngân hàng khoảng 5,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Techcombank cung cấp thêm nhiều khóa học về Agile, Digital và Design Thinking trong năm 2020 để phù hợp với tầm nhìn và chiến lược của Techcombank. Theo đó, Techcombank đã cung cấp 171.960 giờ học tập cho cán bộ nhân viên nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số của ngân hàng.

Ngoài việc cung cấp đào tạo chuyên sâu về sản phẩm, quy trình và công nghệ số cho cán bộ nhân viên, Techcombank cũng tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo và đội ngũ quản lý kế cận của mình. Tính đến cuối năm 2020, Techcombank đã triển khai 16.920 giờ đào tạo cho lãnh đạo ở cấp quản lý cấp trung và cấp cao thông qua các chương trình phát triển năng lực lãnh đạo như Techcomlead, We Build và các chương trình khác.

Từ khoá: iMoney,
Tin mới lên