Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Trong khuôn khổ “Diễn đàn Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với tỉnh Kon Tum tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, ngành du lịch 6 tỉnh gồm Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã ký kết hợp tác, phát triển khá toàn diện nhằm đẩy nhanh mức tăng trưởng cho ngành kinh tế này trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và đẩy lùi.
Trước đó, cuối năm 2021, 5 địa phương gồm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình cũng đã họp triển khai chương trình liên kết phát triển du lịch trong năm 2022. Theo đó, năm 2022, nhóm liên kết, hợp tác phát triển du lịch 5 địa phương phối hợp triển khai hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, sản phẩm, dịch vụ, tạo hiệu ứng lan truyền trong quảng bá, xúc tiến du lịch của điểm đến 5 địa phương tới thị trường khách trong nước, quốc tế. Đồng thời, các địa phương tiếp tục triển khai Nghị quyết số 08/NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đầu năm 2022, UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với quan điểm chuyển từ “điểm du lịch” sang “vùng du lịch”, từ “số lượng” sang “chất lượng”, có trọng tâm, trọng điểm. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành khác.
Đề án cũng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành điểm đến hàng đầu của Việt Nam về du lịch biển, đảo; tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm du lịch gắn với đô thị hiện đại tầm cỡ khu vực, các tổ hợp và khu du lịch quốc gia đẳng cấp quốc tế. Trong đó, du lịch Đà Nẵng không chỉ là trung tâm lan tỏa, hội tụ mà còn là trung tâm vào - ra của toàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Đà Nẵng trở thành điểm đến có giá trị nổi bật toàn cầu, thuộc nhóm thành phố phát triển du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có sức cạnh tranh cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn đầu, đề án tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam để đảm bảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung” đi vào thực chất, đồng thời kết nối 3 di sản văn hóa thế giới với các giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng là văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa các dân tộc Đông Trường Sơn và văn hóa dân cư vùng biển, mở rộng kết nối “Con đường di sản miền Trung” với di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, từ đó phát huy lợi thế tuyệt đối của tọa độ kết nối quốc tế của Đà Nẵng, hình thành 3 tuyến du lịch thuộc loại đặc sắc và đẳng cấp cao lấy Đà Nẵng làm tọa độ xuất phát.
Giai đoạn tiếp theo được định hướng là mở rộng liên kết giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Tây Nguyên để kết nối “Con đường di sản văn hóa miền Trung” với “Con đường xanh Tây Nguyên” và liên kết giữa vùng với Lào và Campuchia để kết nối “Con đường di sản miền Trung” của Việt Nam với di sản văn hóa thế giới cố đô Luang Prabang (Lào) và quần thể Angkor Wat (Campuchia) để tạo thành sản phẩm du lịch “Con đường di sản Đông Dương” trong khuôn khổ hợp tác giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia “Ba quốc gia - Một điểm đến”.
Đề án cũng nhằm phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với các sản phẩm du lịch đặc thù và có sức cạnh tranh cao. Trong đó, tập trung phát triển 6 khu du lịch quốc gia là: Lăng Cô - Cảnh Dương (Thừa Thiên - Huế), Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định); 5 điểm du lịch quốc gia là: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Lũy (Quảng Ngãi, Bình Định); 3 đô thị du lịch là: Huế, Đà Nẵng, Hội An.
Liên kết là quy luật tất yếu của nhu cầu phát triển, quảng bá du lịch. Nhiều năm qua, mô hình liên kết để phát triển du lịch tại các tỉnh miền Trung đã được triển khai. TS Trần Du Lịch, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho biết đã có hơn 10 hội thảo bàn về liên kết phát triển du lịch miền Trung và đã đạt được một số thành quả. Hiện nay, cần phải có sự phối hợp tay ba giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành (tour) và hệ thống vận tải.
Bên cạnh đó, TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, cần có vai trò của vùng trong việc nối kết để hình thành vùng. “Ví dụ một tour 5 ngày ở vùng này, những địa bàn, những điểm nào, chính sách gì phải có sự thống nhất vùng, gọi là hình thành ‘du lịch vùng’. Như vậy, sẽ giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm”.
Theo TS Trần Du Lịch, ngành du lịch miền Trung có nhiều điểm chung nhưng chính điểm chung đó tạo ra áp lực cạnh tranh giữa các địa phương, bởi vậy, cần tùy vào thế mạnh của từng địa phương để bố trí lực lượng sản xuất không bị trùng lặp, nếu trùng lặp sẽ tạo cơ chế liên kết ngăn chặn. “Ví dụ các địa phương tổ chức xúc tiến đầu tư chung toàn vùng chứ không làm từng tỉnh, lãng phí nguồn lực, hay là chuyển ‘du lịch điểm’ thành ‘du lịch vùng’, những cái đó gỡ được, chúng ta tránh được sự cạnh tranh với nhau”, ông Lịch nói.
Theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, có một số bất cập trong mô hình liên kết các địa phương miền Trung đó là không có cơ quan chủ trì thống nhất. 4 địa phương, 4 sở du lịch khác nhau, không có ai chỉ đạo 4 sở du lịch này, không có cơ quan vùng để chỉ đạo thống nhất các hoạt động.
“Bên Thái Lan họ có cơ quan du lịch vùng. Cơ quan đó có trách nhiệm liên kết các địa phương với nhau. Cơ chế quản lý hành chính của chúng ta không xúc tiến việc đó. Thứ hai, mỗi địa phương sẽ có những nguồn lực khác nhau, đem nguồn lực đó ra làm chung không ai muốn. Mỗi địa phương họ sẽ có những mục tiêu khác nhau, cho nên phải tìm những cái chung để có thể cùng chung tay”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng các địa phương phải phối hợp nguồn lực lại với nhau mới mạnh. “Ví dụ 3-4 địa phương cùng đi, nguồn lực sẽ mạnh hơn một địa phương đi riêng lẻ. Mục đích là phối hợp tốt, sử dụng tốt nguồn lực để làm được những việc lớn, tiếp cận được những thị trường lớn hơn, phối hợp được các lợi thế của nhau. Điểm mạnh của liên kết là như thế”, ông Dũng nhấn mạnh.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.