Lo dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến dòng vốn FDI từ Trung, Hàn, Nhật vào Việt Nam trong năm 2020
Thanh Long -
27/02/2020 09:19 (GMT+7)
(VNF) - 2 tháng đầu năm 2020, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,12 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các quốc gia là đối tác FDI lớn của Việt Nam hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, dòng vốn FDI đầu tư vào nước ta năm 2020 có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/2/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 6,47 tỷ USD, chỉ bằng 76,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong một báo cáo công bố mới đây, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định lượng vốn giảm ngoài việc bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết thì dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp cũng là một nguyên nhân tác động trực tiếp đến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài.
Về đối tác đầu tư, trong 2 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,12 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Xếp thứ hai và thứ ba là Trung Quốc và Hàn Quốc.
"Với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các quốc gia là đối tác FDI lớn của Việt Nam hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, dòng vốn FDI đầu tư vào nước ta năm 2020 có thể bị ảnh hưởng không nhỏ", chuyên gia của BVSC lo ngại.
Tính đến ngày 20/2, Việt Nam có 500 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư (GCNĐKĐT) với tổng vốn đăng kí cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2019.
Lý giải cho việc này, theo Cục Đầu tư nước ngoài là do trong 2 tháng đầu năm 2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, 2 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 3,89 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một số dự án lớn được đăng ký trong 2 tháng đầu năm 2020 có thể kể đến: Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG.
Cùng với đó là Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh; Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 138 triệu USD.
Ngoài ra còn có Dự án nhà máy Sews – components Việt Nam (Nhật Bản) với mục tiêu sản xuất các linh kiện điện và điện tử cho ô tô và mô tô, sản xuất các sản phẩm từ Plastic tại Hưng Yên điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 75,2 triệu USD; Dự án sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị ngoại vi và thiết bị quang học (Đài Loan) tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 68 triệu USD.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.