M&A

Lộ diện đại gia kín tiếng mua Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức

(VNF) - Một doanh nghiệp 4 tháng tuổi, vốn 200 tỷ đồng được cho là bên nhận chuyển nhượng khách sạn lớn nhất phố núi Pleiku Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức.

Lộ diện đại gia kín tiếng mua Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức

Theo một số nguồn tin, đơn vị mua lại khách sạn HAGL từ doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Giá trị thương vụ theo công bố của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã chứng khoán: HAG) là 180 tỷ đồng.

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai mới được thành lập khoảng 4 tháng trước đây, vào ngày 20/6/2023, có trụ sở chính lại Đường 3/2, quận 10, TP.HCM. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động của các câu lạc bộ thể thao (trừ hoạt động của các sàn nhảy). Ngoài ra, Công ty cũng hoạt động chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Công ty này do 2 cổ đông sáng lập là ông Đỗ Xuân Đức (địa chỉ Quảng Nam) và bà Nguyễn Thị Huyền (địa chỉ Bình Định). Trong đó, ông Đức sở hữu 49% vốn còn bà Huyền nắm 51% vốn. Ông Đức cũng giữ chức danh Giám đốc công ty.

Ông Đỗ Xuân Đức còn là thành viên HĐQT của một công ty chuyên về xử lý nước thải, cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường và cung cấp nước sạch ở Quảng Nam. Ngoài ra, ông Đức còn là người đại diện cho Công ty cổ phần Làng Quê Việt (thành lập năm 2022, đã ngừng hoạt động).

Trao đổi với báo giới, ông Đỗ Xuân Đức xác nhận Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai đã mua lại khách sạn HAGL từ bầu Đức nhưng không tiết lộ về giá trị thương vụ vì lý do bảo mật.

Khách sạn HAGL hoạt động từ tháng 12/2005, gồm 117 phòng ngủ, là công trình đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Sở hữu vị trí đắc địa, ngay Quảng trường Phù Đổng - trung tâm thành phố Pleiku nhưng theo HAGL, tài sản này không sinh lời.

HAGL cho biết, mục đích bán khách sạn này là nhằm trả nợ trái phiếu HAGL được phát hành năm 2016 cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, HAGL còn dư nợ trái phiếu tại BIDV là 5.271 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm. Tại ngày 30/6, HAGL chưa thanh toán lãi vay phải trả cho kỳ đến hạn thanh toán với tổng giá trị hơn 2,6 tỷ đồng.

Bên cạnh nợ trái phiếu BIDV, HAG còn nhiều khoản nợ khác. Tới giữa năm 2023, HAG còn nợ 8.085 tỷ đồng.

Trong khoảng một thập kỷ qua, HAG rất khó khăn, chìm ngập trong nợ nần sau giai đoạn đầu tư lớn vào cao su nhưng giá giảm. Sau đó, HAG đổi qua mía đường, rồi cũng bán mảng này cho doanh nghiệp khác.

Vài năm gần đây, HAG tập trung vào một vài loại cây trồng và chăn nuôi lợn. Hiện HAG tập trung vào trồng chuối, nuôi heo, trọng điểm là sầu riêng.

Gần đây, bầu Đức khá lạc quan với triển vọng của HAG với tình hình tài chính hiện “nợ không còn nhiều, và doanh nghiệp đang có lãi”.

HAG có bất động sản trải dài từ Bắc vào Nam nhưng đã bán dần bất động sản và chuyển sang mảng nông nghiệp nhưng từng thất bại khi "vàng trắng" cao su bị rớt giá.

Theo báo cáo tài chính năm 2022, HAGL ghi nhận khoản 293 tỷ đồng doanh thu dịch vụ cung cấp khác khác, trong đó có một phần từ kinh doanh khách sạn.

Lũy kế 9 tháng, công ty của bầu Đức đạt doanh thu thuần 679 tỷ đồng. Trong đó, ngành chăn nuôi chiếm 196 tỷ đồng; cây ăn trái là 375 tỷ đồng, ngành phụ trợ đạt 108 tỷ đồng.

Đáng chú ý là khoản thu từ việc thanh lý tài sản 180 tỷ đồng đã giúp lãi sau thuế 9 tháng đạt 710 tỷ đồng (giảm 20% so với cùng kỳ 2022).

HAGL cho biết trong quý III sẽ chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng, ước tính số tiền thu được 1.300 tỷ dùng trả nợ và bổ sung vốn cho công ty con.

Tin mới lên