Loạn giá: Sửa quy định mua bán vàng miếng, lập sở giao dịch vàng quốc tế

Mai Anh - 29/10/2023 13:51 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước sửa quy định hướng dẫn mua bán vàng miếng tại thị trường trong nước. Đại biểu Quốc hội đề xuất lập sở giao dịch vàng quốc tế. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VNF

Ngân hàng Nhà nước sửa quy định hướng dẫn mua bán vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước.

Theo đó, Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định về thông báo kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng.

Thông tư nêu rõ trách nhiệm của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước làm đầu mối phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc NHNN xem xét, quyết định tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định; thông báo cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quyết định của NHNN về việc tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng.

>> Xem thêmNgân hàng Nhà nước sửa quy định hướng dẫn mua, bán vàng miếng

Đại biểu Quốc hội đề xuất lập sở giao dịch vàng quốc tế

Tại thảo luận tổ đại biểu về kinh tế - xã hội sáng 24/10, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề xuất Chính phủ cần có giải pháp quản lý, ổn định giá vàng trong nước.

Hiện Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau hơn 10 năm điều chỉnh đã bộ lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, Đại biểu đề xuất Chính phủ cân nhắc việc sửa đổi Nghị định 24 này và nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng.

“Chính phủ có thể cân nhắc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường vàng, phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, thay cho việc đấu thầu vàng như hiện nay, đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng của người dân cũng như nhu cầu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp kinh doanh vàng, góp phần đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả”, Đại biểu đề nghị.

>> Xem thêmVàng trong nước đắt hơn thế giới 14,45 triệu, ĐBQH đề xuất lập sở giao dịch vàng quốc tế

Tiền vào ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất tiết kiệm chạm đáy

Lo ngại đầu tư, người dân đua nhau đem gửi ngân hàng bất chấp lãi suất thấp kỷ lục. Tiền gửi của cả người dân và các tổ chức kinh tế đang ở mức cao kỷ lục.

Tính tổng trong 8 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng đạt 5,31%. Số dư tiền gửi của khách hàng dân cư cuối tháng 8 là hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 43,7 nghìn tỷ đồng so với tháng 7, đồng thời đánh dấu chuỗi 21 tháng tăng trưởng dương liên tiếp. Còn từ đầu năm đến hết tháng 8, tiền gửi của người dân đã tăng tới 11,8%. Số dư tiền gửi của doanh nghiệp đạt hơn 6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 103 nghìn tỷ so với tháng 7, có sự phục hồi trở lại sau khi sụt giảm trong tháng 7.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận rất đau đầu vì thừa tiền mà không cho vay được. Ngân hàng cũng là một dạng doanh nghiệp đặc biệt, kinh doanh tiền, vậy nên tiền buộc phải đẻ ra tiền. Tiền một khi dư thừa, ứ đọng, không quay vòng được tức là "tiền chết", làm giảm hiệu quả của nền kinh tế.

>> Xem thêmLãi suất chạm đáy dân vẫn ồ ạt gửi tiết kiệm: Ngân hàng 'đau đầu' vì thừa tiền

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh

Bộ Xây dựng dẫn số liệu của NHNN cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã bơm thêm gần 186.500 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh bất động sản

Còn theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt 5,57%, tương đương quy mô tăng thêm là gần 663.900 tỷ đồng. Như vậy, hơn 28% tổng quy mô tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm được đóng góp bởi lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nghĩa là cứ 100 đồng tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm thì có 28 đồng chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản tăng rất mạnh, có ngân hàng tăng gần 50%, trong khi cho vay cá nhân tăng chậm.



>> Xem thêm
Tiền âm thầm đổ vào nhà đất: Tín dụng kinh doanh BĐS nhiều ngân hàng tăng 50%

Tổng phương tiện thanh toán tăng lên nhưng giao dịch tiền mặt giảm mạnh

Tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 8 đạt hơn 14,801 triệu tỷ đồng, tăng 574.400 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế tới cuối tháng 8 đạt trên 1,289 triệu tỷ đồng, giảm gần 63.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022 và giảm hơn 115.800 tỷ so với mức ghi nhận vào cùng kỳ 2022.

Giao dịch tiền mặt giảm mạnh trong bối cảnh thanh toán điện tử liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.

>> Xem thêmTổng phương tiện thanh toán tăng lên nhưng giao dịch tiền mặt giảm mạnh

40 nghìn tỷ ưu đãi lãi suất bị ế

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo đề cập đến việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. KTNN đánh giá công tác truyền thông của NHNN chưa đi trước, chưa mang tính định hướng. Điều này thể hiện ở việc sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn chưa như kỳ vọng, nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách.

Theo KTNN, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì còn một số nguyên nhân chủ quan từ phía các ngân hàng thương mại. nhiều ngân hàng thương mại chưa chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách.

>> Xem thêm40 nghìn tỷ ưu đãi lãi suất bị ế: Kiểm toán Nhà nước chỉ tên ngân hàng còn 'thờ ơ'

Lãi suất huy động xuống dưới 3%

Lãi suất huy động giảm sâu từ nhiều tháng nay và chưa có điểm dừng. Các ngân hàng liên tục đua nhau hạ lãi suất, có ngân hàng giảm tới 3-4 lần trong một tháng. Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ở mức rất thấp. Mức lãi suất phổ biến ở nhiều kỳ hạn còn thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trong giai đoạn 2020 - 2021.Một số ngân hàng còn niêm yết lãi suất huy động dưới 3%/năm.

Nhưng đây chưa phải mức đáy. Lãi suất huy động được dự báo có thể giảm tiếp. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng mức giảm lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều.

>> Xem thêmSau khi xuống dưới 3%, lãi suất chờ thêm 1 đợt giảm sâu trước Tết

Kiểm toán Nhà nước: Chậm chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém gây rủi ro

Hiện 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm DongABank và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đồng thời, các ngân hàng này cũng đang được NHNN kiểm soát đặc biệt.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, KTNN đánh giá, phương án xử lý các ngân hàng yếu kém rất chậm, kéo dài từ 2015 đến nay chưa dứt điểm. Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng.
KTNN nhận xét, việc xử lý kéo dài nhiều năm dẫn tới rủi ro có thể ngốn nguồn lực khi phải cho vay đặc biệt để hỗ trợ các nhà băng yếu kém. Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị NHNN đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc với các đơn vị trên

>> Xem thêmKiểm toán Nhà nước: Chậm chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém gây rủi ro

Thủ tướng yêu cầu NHNN tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng

Thủ tướng vừa yêu cầu NHNN thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ hiệu quả khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là nội dung được nêu tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 củ Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.

>> Xem thêmThủ tướng yêu cầu NHNN tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng

PG Bank có chủ tịch HĐQT mới, tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng

Sáng 23/10, tại tỉnh Ninh Bình, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã chứng khoán: PGB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023.

Với sự đồng thuận cao, ông Phạm Mạnh Thắng đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Đào Phong Trúc Đại đã được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT và ông Trần Ngọc Dũng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát của PG Bank.

Đại hội đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 – 2024.

>> Xem thêmPG Bank có chủ tịch HĐQT mới, tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng

Cùng chuyên mục
Tin khác