Ngân hàng vẫn treo lãi suất cao, khách sợ không dám vay mua nhà

Minh Dũng - 28/10/2023 19:10 (GMT+7)

(VNF) - Lãi suất cho vay mua nhà đã giảm đáng kể nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu vay mua nhà vẫn ở mức thấp. Ngoài câu chuyện về vốn, vẫn cần nhiều hơn những hỗ trợ mới có thể kích thích nhu cầu mua nhà của người dân

VNF

Giảm chậm

Khảo sát tại nhiều ngân hàng, mức lãi cho vay mua nhà hiện dao động từ 8-10%/năm.

Cụ thể, tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Agribank cho vay mua nhà với lãi suất năm đầu 8,5%/năm. Vietcombank có gói vay mua bất động sản với lãi suất 12 tháng đầu 8,5/năm, 18 tháng đầu 8,8%/năm và lãi vay cố định 3 năm là 9,7%/năm.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, lãi suất cho vay mua bất động sản của Techcombank khoảng 9%/năm trong năm đầu tiên, 8,5%/năm với khách hàng chọn gói lãi suất cố định trong 6 tháng.

PVcomBank dành đến 15.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi. Với người mua nhà, ngân hàng này đưa ra nhiều phương án trả nợ khác nhau, cho phép ân hạn nợ gốc, để người dân giảm bớt áp lực trả nợ trong giai đoạn đầu mua nhà, thời gian vay kéo dài tới 25 năm. Mức lãi suất vay trong 6 tháng đầu là 9%/năm hoặc 12 tháng đầu là 10%/năm.

Hiện NamABank giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà trên dưới 2% so với cuối năm 2022.

Cùng xu hướng, ACB đưa ra gói cho vay mua bất động sản với lãi suất giảm mạnh cùng nhiều chính sách hấp dẫn. Theo đó, mức lãi suất năm đầu tiên dao động ở mức 8%/năm; lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3%.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho vay mua nhà lãi suất 8,3%/năm cố định 6 tháng đầu và 9,7%/năm trong 54 tháng còn lại hoặc 8,5%/năm cố định trong 1 năm, 9,3%/năm cố định 2 năm, 9,5%/năm cố định 3 năm.

Tương tự, tại Wooribank, mức lãi suất cho vay năm đầu tiên giảm còn 8%/năm, lãi suất sau thả nổi chỉ khoảng 8,8 - 9%/năm. Ngân hàng này đã liên tục giảm lãi suất cho vay mua bất động sản kể từ đầu năm 2023, trong khi giai đoạn nửa cuối năm 2022, mức lãi suất cho vay năm đầu tiên lên tới 10,2%/năm.

Đáng chú ý, theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, từ đầu tháng 9/2023, người dân có thể vay ngân hàng này để trả nợ trước hạn ngân hàng khác. Quy định này được kỳ vọng sẽ khiến các ngân hàng phải cạnh tranh hơn, tạo mặt bằng lãi suất vay thấp hơn để giữ chân người vay vốn. Quy định này được áp dụng cho các khoản vay phục vụ đời sống như mua nhà, mua xe ô tô hay mua sắm đồ dùng trong nhà…

Thực tế, nhiều nhà băng đã tung ra các mức lãi suất cho vay “đảo nợ” chỉ từ 6-6,9%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và khoảng 8%/năm cho khoản vay trung và dài hạn.

Các ngân hàng cũng cho biết họ đang nỗ lực tìm người vay, bởi nếu huy động về nhưng không cho vay được thì chính ngân hàng sẽ rơi vào cảnh ế vốn. Do đó, nhiều ưu đãi cho vay cũng được đưa ra gần đây.



Nhu cầu vay mua nhà vẫn thấp

Lãi suất cho vay mua nhà đã giảm song việc vay vốn mua nhà trong bối cảnh hiện nay vẫn khá áp lực với người cần vốn.

Lãi suất vay mua nhà thả nổi tại các ngân hàng tư nhân hiện dao động trong khoảng 10-13%/năm, đã giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm, nhưng vẫn được cho là còn tương đối cao. Gánh nặng lãi suất vẫn là áp lực lớn cho người mua nhà. Vì vậy, thị trường bất động sản chưa có nhiều phản ứng và vẫn trầm lắng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm đạt 980.000 tỷ, tăng gần 19% so với đầu năm, vượt tốc độ tăng cả năm ngoái (10,7%, tương đương 100.000 tỷ đồng). NHNN nhận định đây là mức tăng trưởng cao, gấp hơn 4 lần mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (4,54%). Tín dụng bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế.

Trong khi cho vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh thì dư nợ người dân vay mua bất động sản trong 7 tháng đầu năm lại giảm 1,36%. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường cho chủ đầu tư, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản đang sụt giảm.

NHNN cho rằng số liệu trên phản ánh nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường trong khi cầu tín dụng để mua bất động sản tiêu dùng, tự sử dụng sụt giảm. Diễn biến này cho thấy những khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư.

Theo một số lãnh đạo ngân hàng, sở dĩ nhu cầu tín dụng bất động sản tiêu dùng của cá nhân hiện ở mức thấp là do kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Mặt khác, thị trường nhà đất vẫn trầm lắng, nên khách hàng chưa mặn mà với việc vay vốn mua nhà mà kỳ vọng giá và lãi suất sẽ giảm thêm.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay nói chung và cho vay lĩnh vực bất động sản nói riêng có thể tiếp tục giảm song mức giảm không nhiều.

Theo ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam, đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, đặc biệt là người lao động tại các khu đô thị lớn, có thu nhập ổn định từ lương, thì các khó khăn, tồn tại sẽ khó có thể cải thiện trong một sớm một chiều, như giá bất động sản vẫn cao, vượt quá năng lực vay nợ và khả năng chi trả thông thường, trong khi nguồn nhà ở xã hội không dễ cải thiện trong thời gian ngắn.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài câu chuyện về vốn, vẫn cần nhiều hơn những hỗ trợ mới có thể kích thích nhu cầu mua nhà của người dân

Người mua nhà và cả các doanh nghiệp phát triển bất động sản đang chờ đợi nhiều yếu tố khác như các chính sách được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để thị trường có thể kết nối cung - cầu, tạo nguồn cung, cũng như tạo sức cầu trên thị trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác