Lọc dầu Dung Quất gặp khó, tỉnh Quảng Ngãi ‘đòi’ được công bằng như Nghi Sơn
Lê Nguyễn -
05/11/2018 19:47 (GMT+7)
(VNF) - UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Cụ thể, so với năm 2017, giá dầu thô, sản phẩm biến động thất thường, không có lợi cho hoạt động của các nhà máy lọc dầu.
Bên cạnh đó, việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cung cấp sản phẩm ra thị trường nội địa từ tháng 5/2018 đến nay lại rơi đúng vào thời điểm nhu cầu thị trường khá thấp, trong khi đó nguồn cung từ nhập khẩu và nguồn hàng của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lại khá dồi dào. Điều này khiến cho thị trường bị dư thừa nguồn cung dẫn đến việc tiêu thụ cũng như giá bán các sản phẩm xăng dầu của BSR bị ảnh hưởng lớn theo hướng bất lợi.
Theo kế hoạch, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã chốt bán khoảng 419.000 m3 xăng dầu trong tháng 8/2018 và chào bán 554 nghìn m3 trong tháng 9/2018. Thị trường sẽ tiếp tục dư thừa một lượng xăng rất lớn vì khối lượng xăng đã sản xuất từ 6/2018 vẫn chưa tiêu thụ hết và còn đang nằm trong các kho tại khu vực phía Nam và phía Bắc.
Theo ý kiến của Petrolimex, việc giá bán rất thấp trong thời gian quan khiến cho thị trường xăng dầu nội địa bất ổn. Giá bán quá thấp khiến cho mức chiết khấu trên thị trường thay đổi liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra và tồn kho của nhiều đầu mối.
Với cung nội địa khá lớn, đặc biệt khả năng lượng cung xăng sẽ vượt cầu trong thời gian đến từ 800.000 1.000.000 m3 xăng các loại, áp lực tiêu thụ sản phẩm xăng dầu các tháng cuối năm 2018 và các năm tới là rất lớn.
Về cơ chế chính sách, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay Luật Thuế xuất nhập khẩu, Nghị định 122/2016, Nghị định 125/2017, Quyết định 36/2016 và Quyết định 45/2017 của Thủ tướng đã quy định thuế suất nhập khẩu dầu thô là 5% nếu có xuất xứ tư các nước, khu vực không thực hiện đối xử tối huệ quốc. Trong khi đó, thuế suất nhập khẩu dầu thô là 0% được áp dụng với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược dầu thô và hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR vì dầu thô Azeri (xuất xứ từ Azerbaizan) là dầu thô chiến lược của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 146/2017, Nghị định 100/2016, Nghị định 12/2015 thì các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô khi xuất khẩu sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ Bình Sơn hoặc thông qua các đầu mối). Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Bình Sơn nếu công ty muốn xuất khẩu trong trường hợp nguồn cung nội địa vượt quá nhu cầu.
Đối với việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết dự án hiện gặp khó khăn như: không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, báo cáo ĐTM chưa được duyệt…
Trước các khó khăn trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ giữ nguyên cơ chế đang có hiệu lực hiện hành tại Quyết định 1725 của Thủ tướng nhằm bảo đảm tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường, khẳng định sự nhất quán trong chính sách đối với BSR.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ BSR thay thế cho việc cấp bảo lãnh chính phủ để BSR có đủ năng lực tài chính để huy động vốn vay trên thị trường vốn nhằm thúc đẩy dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy Dung Quất;
Đồng thời xem xét chấp thuận điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu dầu thô Azeri từ Azerbaijan nói riêng và các loại dầu thô nhập khẩu khác nói chung cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất tương tự như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là 0%.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế VAT khi xuất khẩu, tương tự như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Ngoài ra, tỉnh còn xin cho BSR tiếp tục sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2 như thiết kế cho đến khi hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy Dung Quất.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone