Lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm: Khởi sắc và phân hóa
(VNF) - Nhiều dự báo cho thấy lợi nhuận ngành ngân hàng có triển vọng tăng trưởng dương trong quý II và cả năm nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng. Dù gặp không ít thách thức nhưng vẫn có những yếu tố giúp lợi nhuận ngành ngân hàng khả quan hơn.
Dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng khởi sắc
Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, 72,7% tổ chức tín dụng cho rằng tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc hơn trong quý II và suốt cả năm 2024.
Về lợi nhuận trước thuế quý II, có 57,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng so với quý I/2024, 30,9% dự báo giữ nguyên và 11,8% lo ngại sẽ giảm.
Về lợi nhuận ngân hàng trong cả năm 2024, có 86,2% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng so với năm 2023 trong khi 10,1% lo ngại sẽ giảm và 3,7% nhận định sẽ không thay đổi.
Còn báo cáo mới đây nhất của Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong quý II, nhìn chung lợi nhuận sau thuế các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, thậm chí một số ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm do cùng kỳ năm ngoái ở mức cao.
Các chuyên gia của MBS nhìn nhận, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý II tăng trưởng chậm lại ở mức 12% so với cùng kỳ, con số này thấp hơn mức tăng trưởng của quý I (14%).
Biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động tăng nhẹ ở hầu hết ngân hàng.
Trong khi đó, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng vẫn chưa thể tăng mạnh do tăng trưởng tín dụng còn khiêm tốn. Tăng trưởng tín dụng trong quý II dự báo sẽ khả quan hơn so với quý I. Ước đến 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 4,17%, cao hơn nhiều so với con số 0,26% cuối quý I.
Thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán được cho là sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn.
Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng năm 2024, kỳ vọng sự phục hồi của ngành sẽ diễn ra rõ rệt trong nửa cuối năm.
LPBank là ngân hàng được MBS kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II, tăng 146% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp của năm trước. VPBank được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 62% so với cùng kỳ.
Một số ngân hàng khác được các chuyên gia MBS dự báo ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý II như HDBank (38%), Eximbank (tăng 29%), Techcombank (tăng 26%), ACB (tăng 20%), VietinBank (tăng 8%), Vietcombank (tăng 4%),...
Theo đó, VPBanks dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng niêm yết năm 2024 sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, tương đương đạt 293.650 tỷ đồng với giả định NHNN không tăng lãi suất trong năm 2024 và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.
Các ngân hàng lớn được dự báo được tăng trưởng tín dụng dương mạnh hơn so với mức tăng trưởng của năm trước, trong khi đó các ngân hàng nhỏ sẽ khó có vị thế cạnh tranh hơn và vì thế cũng không có mức tăng trưởng tốt bằng.
Còn theo Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 10% trong năm 2024 nhưng sẽ có sự phân hóa.
VCBS dự báo NIM của ngân hàng sẽ đi ngang trong quý II và III, sau đó chịu áp lực thu hẹp vào quý IV trong bối cảnh lãi suất huy động đang đi lên từ đáy.
Nhiều động lực tăng trưởng
Dù gặp không ít thách thức nhưng vẫn có những yếu tố giúp lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 được kỳ vọng khả quan hơn.
Nhận định về lợi nhuận cả năm nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN tiếp tục là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý IV/2024 và kỳ vọng cho cả năm 2024. Tiếp đó là “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” và “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị”.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, bên cạnh những thách thức vẫn còn có những yếu tố kỳ vọng giúp lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 khả quan hơn, như: tình hình phục hồi của nền kinh tế, dự báo tăng trưởng tín dụng ở mức cao, thị trường chứng khoán có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, thanh khoản bớt dư thừa giúp NIM tăng nhẹ...
Ông Phan Duy Hưng, chuyên gia phân tích của VIS Rating, nhận định, lãi suất huy động trong năm 2024 nhìn chung sẽ thấp hơn so với mức bình quân của năm 2023, giúp ngân hàng cải thiện biên lãi thuần và tỷ suất sinh lời.
Theo VCBS, tăng trưởng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới sẽ đến từ 3 động lực chính là: tối ưu chi phí vốn, gia tăng thu nhập ngoài lãi và tối ưu chi phí hoạt động.
Cụ thể, về động lực tối ưu chi phí vốn, VCBS cho rằng trong bối cảnh môi trường lãi suất huy động đang chịu nhiều áp lực tăng trở lại, nhóm ngân hàng tư nhân có lợi thế về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và linh động trong hoạt động huy động vốn (với mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng không quá cao) sẽ có nhiều tiềm năng tối ưu hóa được chi phí vốn, qua đó cải thiện được lợi nhuận.
Về thu nhập ngoài lãi, các nguồn thu từ phí, VCBS kỳ vọng một số ngân hàng có thể ghi nhận những khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước (upfront fee) của hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance), lợi nhuận từ việc bán các công ty con, hay thu hồi các khoản nợ xấu đã xóa.
Năm nay, một số ngân hàng có thể ghi nhận những khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước của hợp đồng bán chéo bảo hiểm, lợi nhuận từ việc bán các công ty con hay thu hồi các khoản nợ xấu đã xóa.
Về việc tối ưu hóa chi phí hoạt động, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì lợi nhuận.
Lợi nhuận ngân hàng quý I/2024: Khởi sắc và phân hoá mạnh
- Nam A Bank quý I/2024: Lợi nhuận tăng hơn 30% 27/04/2024 11:07
- SHB: Lợi nhuận quý I cao nhất lịch sử, mục tiêu 2024 tăng 22% và chia cổ tức 18% 27/04/2024 10:20
- OCB quý I/2024: Lợi nhuận trước thuế tăng 23% so với cùng kỳ 25/04/2024 04:04
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.