Lợi nhuận quý II của nhiều ngân hàng được dự báo tăng trưởng dương nhờ hoạt động tín dụng

Ngân Kim - 14/07/2022 11:35 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Chứng khoán SSI ước tính kết quả kinh doanh của 26 doanh nghiệp trong phạm vi theo dõi, trong đó chỉ có 3 đơn vị có lợi nhuận ước tính tăng trưởng âm là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) và Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA).

VNF
Lợi nhuận quý II của nhiều ngân hàng được dự báo tăng trưởng dương nhờ hoạt động tín dụng

26 doanh nghiệp mà SSI theo dõi bao gồm 10 ngân hàng thương mại cổ phần. Trong đó, 9/10 ngân hàng được SSI ước tính đạt được lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý II (so với cùng kỳ năm ngoái) với động lực chủ yếu là tăng trưởng tín dụng (hoạt động cốt lõi), cùng với đó là áp lực trích lập dự phòng thấp.

Cụ thể, VietinBank là ngân hàng được SSI ước tính đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý II (trong số 10 ngân hàng mà công ty chứng khoán này đang theo dõi) với mức tăng trưởng là 68%. Lợi nhuận trước thuế quý II của VietinBank ước đạt 4.600 tỷ đồng – 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, SSI cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ này là do mức cơ sở thấp trong quý II năm ngoái.

Ở vị trí thứ hai là ACB và MB, trong đó lợi nhuận trước thuế của ACB dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của MB dự kiến đạt 5.200 – 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 53-64%.

SSI cho rằng ACB đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2022 (tăng 10% so với đầu năm, tăng 16% so với cùng kỳ) giúp ngân hàng này đạt được mức tăng trưởng thu nhập hoạt động (TOI) ở mức tương đối tốt. Trong khi đó, áp lực dự phòng của ACB sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp do tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt (0,8%).

Về MB, ngân hàng này đạt được tăng trưởng lợi nhuận trong quý II như đã nêu trên nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 15% so với đầu năm, tăng 29% so với cùng kỳ) và NIM cao. SSI cho rằng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ hỗ trợ cho MB khi lãi suất có xu hướng tăng.

Vietcombank cũng được ước tính đạt được lợi nhuận trước thuế tăng trưởng ở mức cao (50%) nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (13-14% so với đầu năm). Hệ số LDR tăng lên, tăng trưởng huy động chỉ ở mức 3-4% so với đầu năm, áp lực trích lập dự phòng thấp. SSI cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank ở mức ổn định, trong khi các khoản vay tái cấu trúc giảm 62% xuống còn 4.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng khác như BIDV, Techcombank, TPBank, VIB cũng được SSI ước tính lợi nhuận tăng trưởng từ 18% đến 37%.

Đáng chú ý, ngân hàng duy nhất có lợi nhuận trước thuế sụt giảm trong quý II theo ước tính của SSI là MSB. Theo đó, MSB ước đạt 1.600 – 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 14% so với cùng kỳ chủ yếu vì quý II/2021 ngân hàng này đã ghi nhận hơn 1.500 tỷ đồng phí trả trước của hợp đồng bancassurance.

Ngoài nhóm ngân hàng, trong số các doanh nghiệp mà SSI theo dõi, một số nhóm ngành khác cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II.

Cụ thể, nhóm y dược có 2 đại diện là Imexpharm và Traphaco ước lợi nhuận sau thuế quý II lần lượt tăng ở mức 10% và 61%. Về Imexpharm, lợi nhuận quý II đã cho thấy các đơn hàng đấu thầu thuốc đã bắt đầu phục hồi tốt hơn nhờ số lượng khám bệnh tại các bệnh viện phía Nam tiếp tục hồi phục nhanh chóng, gần bằng mức trước dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tăng trưởng về sản lượng của các nhà máy vẫn còn tương đối thấp do chậm trễ trong quy trình đăng ký thuốc mới, khiến tốc độ thương mại hoá sản phẩm chậm và nhiều dây chuyền có mức huy động thấp. SSI cho biết Imexpharm vẫn đang cố gắng cắt giảm chi phí quản lý và bán hàng để tăng lợi nhuận ròng.

Vê Traphaco, lợi nhuận quý II của công ty này tiếp tục được hỗ trợ bởi tăng trưởng doanh thu ở cả thuốc đông dược và thuốc tân dược đã được Daewoong chuyển giao thành công và ra mắt trong năm 2021. Theo SSI, gần đây thị trường cũng xuất hiện vấn đề thiếu hụt thuốc do sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt đăng ký thuốc. Theo đó, một số sản phẩm của Traphaco đã tăng giá khoảng 1-3%, hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận cao hơn trong kỳ.

Nhóm cảng biển với 2 đại diện là Gemadept và HAH đều có tăng trưởng lợi nhuận dương nhờ mở rộng và hoạt động tối đa công suất. Trong đó lợi nhuận trước thuế của Gemadept ước tăng thấp nhất 30%, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của HAH được công ty này công bố tăng ở mức 188%.

Nhóm điện gồm Nhơn Trạch 2 (NT2) và REE ước tính đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó NT2 dự kiến đạt khoảng 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, tăng gấp 6,5 lần cùng kỳ nhờ giá bán trung bình trên thị trường phát điện cạnh tranh tưang 27% so với cùng kỳ và sản lượng Qc tăng hơn 40%.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của REE cũng dự kiến tăng đên 80%, tương đương ước đạt 690 tỷ đông trong quý II nhờ mảng kinh doanh điện và mảng văn phỏng cho thuê.

Một số doanh nghiệp khác đạt được tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II theo danh sách theo dõi của SSI là PNJ, PV GAS, Vĩnh Hoàn, VSC, Digiworld…

Đáng chú ý, một doanh nghiệp được SSI ước tính lợi nhuận sau thuế sẽ giảm tới 36% là Tập đoàn Hoà Phát. Theo đó, mức cơ sở năm 2021 của công ty này đạt ở mức cao, cùng với việc biên lợi nhuận giảm trong bối cảnh giá than cốc tăng cao và sản lượng thép ước tính đi ngang đã làm Hoà Phát dự kiến có mức lợi nhuận đi lùi trong quý II, ước đạt 6.200 tỷ đồng.

Ở mức giảm nhẹ hơn, VEA được SSI ước tính đạt lợi nhuận sau thuế 1.610 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ do doanh thu của liên doanh xe máy (Honda) giảm 6% do ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm sản phẩm xe ga chủ lực như Honda SH, Vision, Lead..

Cùng chuyên mục
Tin khác