Lợi nhuận trăm tỷ mỗi năm của Tân Thuận - IPC đến từ đâu?

Phương Đông - 30/10/2018 06:03 (GMT+7)

Cổ tức được chia từ nhóm công ty liên doanh và liên kết nhiều năm liên tiếp đóng góp lớn vào lợi nhuận của Tân Thuận - IPC.

VNF
Cổ tức được chia từ nhóm công ty liên doanh và liên kết nhiều năm liên tiếp đóng góp lớn vào lợi nhuận của Tân Thuận - IPC.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong mới đây đã yêu cầu Thanh tra TP HCM chuyển hồ sơ sang Công an TP HCM để làm rõ dấu hiệu sai phạm của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) trong việc quản lý, sử dụng vốn và phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại các đơn vị thành viên.

Đây là doanh nghiệp do UBND TP HCM sở hữu 100% vốn điều lệ, được thành lập vào năm 1993 và chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty trách nhiệm hữu hạn cách đây bảy năm. Từ đó đến nay, kết quả kinh doanh của IPC liên tục biến động mạnh qua từng năm.

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2013 - 2015 cho thấy doanh thu thuần tăng trưởng bình quân 65% mỗi năm, nhưng phần lớn không đến từ ngành nghề chính mà là cổ tức, lợi nhuận được chia từ các doanh nghiệp thành viên trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và dân dụng.

Điểm nhấn trong chuỗi tăng trưởng của doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong phát triển cơ sở hạ tầng phía Nam thành phố rơi vào năm 2015 khi doanh thu tăng gấp 18 lần, lên 1.138 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do công ty thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM về việc thu lợi tức 1.637 tỷ đồng từ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho đối tác liên doanh tăng vốn điều lệ, công ty đã đề xuất và được thành phố chấp thuận chủ trương thu một phần tương ứng hơn 750 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, một trong những thành tích đạt được trong thời gian qua là hoàn tất đàm phán và điều chỉnh hợp đồng liên doanh đối với Phú Mỹ Hưng, qua đó xác nhận tỷ lệ sở hữu tại đây là 30%, tương ứng giá trị đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm ngoái vẫn ghi nhận công ty có khoản phải thu ngắn hạn là 411 tỷ đồng cổ tức được chia từ Phú Mỹ Hưng.

Hợp tác với đại gia bất động sản Đài Loan cũng là khoản đầu tư giá trị lớn nhất trong danh sách chín công ty liên doanh và liên kết. Một số công ty đang đóng góp cổ tức cho IPC còn có Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) với gần 30 tỷ, Công ty cổ phần Long Hậu hơn 19 tỷ, Công ty cổ phần TM-DV Hiệp Tân gần 2 tỷ đồng...

Với cổ tức từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng mỗi năm, nhóm công ty này đang là động lực tăng trưởng chính, nhưng cũng mang đến những rủi ro nhất định khi công ty có thể phải thoái vốn hoặc thanh lý một số khoản đầu tư theo chỉ đạo sắp xếp đổi mới của thành phố.

Ví dụ như trong năm 2015, công ty đã thoái vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) còn 40,5% và không còn đóng vai trò là công ty mẹ. Hoặc như cuối tháng 10 năm ngoái, công ty cũng giảm tỷ lệ sở hữu tại Sadeco xuống 28,77% thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 40.000 đồng mỗi đơn vị. Hai đợt thoái vốn này vừa bị Thanh tra TP HCM cho rằng có dấu hiệu sai phạm làm ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Sau giai đoạn bứt phá, tình hình kinh doanh của IPC bắt đầu chững lại và giảm sút đáng kể. Điển hình như báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2017 ghi nhận doanh thu thuần giảm đến 70%, chỉ còn xấp xỉ 89 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu biến động mạnh khi hoạt động cho thuê đất đã phát triển hạ tầng và cung cấp nước sạch bị đình trệ. Cho thuê văn phòng, nhà xưởng và khu lưu trú vươn lên dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu với gần 60%, tiếp đến là bán bất động sản và hàng hóa.

Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng kéo dài chuỗi tăng trưởng âm năm thứ ba liên tiếp, chỉ còn 666 tỷ đồng. Nếu dựa theo báo cáo tài chính hợp nhất thì lợi nhuận vẫn giảm, nhưng chênh lệch so với năm trước không đáng kể.

Tổng tài sản hợp nhất của IPC tính đến cuối năm đạt 9.356 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu (bao gồm 2.926 tỷ đồng vốn điều lệ thực góp, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối...) chiếm tỷ trọng xấp xỉ 88% trong cơ cấu nguồn vốn, còn lại là nợ phải trả.

Theo ban lãnh đạo IPC, trong thời gian tới, công ty vẫn tập trung cho nhiệm vụ chính được UBND TP HCM giao là trở thành đầu tàu phát triển hạ tầng phía Nam thành phố. Công ty đang nghiên cứu hạ tầng kết nối khu đô thị cảng Hiệp Phước với giao thông trong khu vực, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) để tăng hiệu quả khai thác khu chế xuất Tân Thuận và các cụm đô thị dọc tuyến...

Công ty sẽ đầu tư các dự án trọng điểm theo từng giai đoạn với thứ tự ưu tiên lần lượt là giai đoạn ba Khu công nghiệp Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước, khu đô thị Hiệp Phước, các dự án mở rộng khu công nghiệp tại Long Hậu (Long An) và các dự án bất động sản khác.

Theo VnE
Cùng chuyên mục
Tin khác