Thị trường

Long An công bố 6 trục giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

(VNF) - Theo UBND tỉnh Long An, địa phương định hướng đến năm 2030 sẽ hình thành 6 trục giao thông mang tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Long An công bố 6 trục giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao chứng nhận Quy hoạch cho tỉnh Long An tại Hội nghị.

Ngày 25/7, tỉnh Long An tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ban ngành, tỉnh thành.

Theo đó, Long An là địa phương thứ 10 của cả nước và là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch.

Hội nghị đã công bố Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023). Theo Quyết định, phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Long An bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Long An với tổng diện tích tự nhiên là 4.494,8km2.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu đưa tỉnh Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia;

Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Long An sẽ trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL); kết nối chặt chẽ với TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng.

Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 7,5%; khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 61,8%; khu vực dịch vụ khoảng 24,2%...

Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh, thành phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.

Long An sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế xã hội, sáu trục động lực.

Theo đó, 2 hành lang kinh tế gồm: Hành lang đường Vành đai 3 – 4 (bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP. HCM); hành lang phát triển phía Nam (bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP. HCM đi quan tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang).

Ba vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu; vùng đệm sinh thái.

Sáu trục động lực kinh tế gồm cót trục động lực Vành đai 3, Vành đai 4: kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ - TP. HCM, kết nối sân bay Long Thành – cảng Long An

Trục động lực Quốc lộ 50B: Kết nối TP. HCM – Long An – Tiền Giang.

Trục động lực song hành Quốc lộ 62: Kết nối TP. Tân An – khu vực kinh tế cửa khẩu Long An – vùng Đồng Tháp Mười.

Trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh: Kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây – vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và TP. HCM.

Trục động lực Quốc lộ N1: Kết nối Long An với vùng ĐBSCL – vùng Đông Nam Bộ - vùng Tây Nguyên

Và cuối cùng là trục động lực Đức Hòa: Kết nối cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hòa, Bến Lức với TP. HCM.

Tin mới lên