Diễn đàn VNF

Lý do khiến Việt Nam nguy cơ đứt dòng vốn FDI chất lượng cao

(VNF) - Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, trong trung và dài hạn, Việt Nam có nguy cơ mất dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao khi các nhà nhập khẩu toàn cầu chuyển hướng ưu tiên sang chuỗi cung ứng bền vững.

Khách hàng rời bỏ Việt Nam

Các số liệu được công bố tại một diễn đàn mới đây cho thấy, trong quý I/2023, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất trong 22 năm trở lại đây. Thay vì đặt hàng tại Việt Nam, rất nhiều nhãn hàng nước ngoài đang chuyển hướng sang Bangladesh, nơi có những cam kết về xanh hóa ngành công nghiệp. Hay Thái Lan áp dụng mô hình kinh tế Xanh - Tuần hoàn - Sinh học (BCG) hướng tới những hoạt động sản xuất ít tổn hại nhất đến môi trường nhằm thúc đẩy thu hút FDI.

Đây là một nguy cơ đối với kinh tế Việt Nam, trong đó nơi chịu tác động trực tiếp đầu tiên là các đầu tàu kinh tế lớn như TP.HCM.

Theo ông Marc Forni, chuyên gia WB, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu của TP. HCM. Năm 2018, TP. HCM phát thải 57,6 triệu tấn CO2, chiếm 25% tổng lượng phát thải của cả nước, trong đó 93,6% đến từ ngành năng lượng. Năm 2022, lượng phát thải vượt mức 60 triệu tấn CO2.

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết, TP. HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2.

Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, thành phố cũng đang bị đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

Với thực tế này, các chuyên gia WB cảnh báo, trong trung và dài hạn, Việt Nam có nguy cơ mất dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao khi các nhà nhập khẩu toàn cầu chuyển hướng ưu tiên sang chuỗi cung ứng bền vững.

Do đó, cần phục hồi tính cạnh tranh của TP. HCM thông qua chú trọng vào phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp. Đồng thời, Việt Nam đã tăng cường cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiền đâu để xanh hoá

Thực tế, chiến lược xanh hoá và thực thi các cam kết xanh đã được Việt Nam cũng như TP.HCM khởi động. Cụ thế, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, mục tiêu giảm 10% phát thải CO2 là 'tham vọng, nhưng có thể thực hiện được với chiến lược phù hợp'.

Theo đó, cần tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Ở nhiều nước, việc sử dụng công cụ thuế để các doanh nghiệp phát triển xanh đã được sử dụng, nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện, vì giới hạn ngân sách, và nhất là với các nước đang phát triển.

Thực tế, TP.HCM cũng như  các thành phố đang phát triển gặp khó khăn trong thực hiện các giải pháp giảm phát thải vì hạn chế lớn về tài chính. Các giải pháp nhỏ và rời rạc rất khó khăn để thu về lợi nhuận do chi phí giao dịch cao và mức giảm phát thải hạn chế trên cơ sở riêng lẻ. Nhiều vướng mắc trong việc phát triển các chương trình khuyến khích, cơ chế thể chế, và mô hình khả thi về mặt tài chính để tổng hợp các giải pháp giảm phát thải ở quy mô lớn.

 

Trong hoàn cảnh đó, WB cho rằng, TP cần đóng vai trò tổng hợp các hoạt động giảm phát thải carbon của cả khu vực công và tư nhân, để tạo quy mô đủ lớn tham gia vào thị trường carbon quốc tế tự nguyện, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính và triển khai cho các giải pháp giảm phát thải.

Cụ thể: "tài chính carbon là một công cụ rất quan trọng giúp TP. HCM đạt được các mục tiêu về khí hậu và tăng trưởng xanh, đặc biệt là trong ngắn hạn và trung hạn", chuyên gia WB gợi mở.

Theo ông Mani Mathukumara - Chuyên gia trưởng về kinh tế - môi trường của WB, để phát triển thị trường carbon thì phải xác định được người mua và người bán. Theo đó, người mua sẽ là những doanh nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là sự cắt giảm của doanh nghiệp phải được công nhận bởi 1 đơn vị có chức năng và uy tín để người mua có niềm tin về chứng chỉ carbon đã được xác minh, công nhận.

Ông Marc Forni - Chuyên gia trưởng năng lượng thích ứng của đô thị (WB) cho rằng, thiết lập thị trường mới rất quan trọng và TP. HCM nên tận dụng cơ hội khi thị trường phát triển nhanh.

Bà Marieke Van Der Pijil, Tổng Thư ký Hiệp hội Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) lưu ý, để giải pháp khả thi và thiết thực hơn, thành phố cần có kế hoạch cụ thể về thực hiện, tài chính, giao đất, bồi thường, điều chỉnh sử dụng đất cho phù hợp với môi trường địa phương. Nhà đầu tư dự án năng lượng xanh có thể gặp rủi ro do chưa hoàn thiện luật đất đai, nhà ở, đầu tư, xây dựng và môi trường, cũng như những thách thức trong đấu thầu, giải phóng mặt bằng, tương tác với các tỉnh lân cận và ưu đãi thuế.

WB cũng cho biết đã làm việc với Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC), các sở ngành và doanh nghiệp TP. HCM để xác định những ngành tiềm năng trong thực hiện tín chỉ carbon. Khi có tín chỉ rồi, WB sẽ hỗ trợ TP. HCM trong tiếp cận thị trường quốc tế.

Hiện nay, TP. HCM đang ưu tiên thực hiện để chuyển đổi xanh là chuyển đổi năng lượng xanh, xây dựng xanh, quản lý nguồn nước. Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ hội cho TP.HCM trong chuyển đổi xanh.

TP.HCM lập thị trường tín chỉ carbon

TP. HCM đang cùng WB triển khai thị trường tín chỉ carbon, dự kiến sẽ hoàn thành khung của thị trường trong quý I/2024.

Hiện nay, Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC) được WB chọn là cơ quan điều phối về tín chỉ carbon tại TP. HCM. Thời gian qua, HFIC và các luật sư của WB đang làm việc để xây dựng chính sách liên quan việc này. WB cũng đề cập một gói viện trợ không hoàn lại trị giá 40 triệu USD và 10 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển thị trường carbon.

WB cam kết hỗ trợ TP. HCM tiếp cận nguồn tài chính, thu hút nguồn lực nước ngoài để giảm phát thải carbon. Thị trường tín chỉ carbon là một nguồn lực tốt và hy vọng TP. HCM có thể bán được tín chỉ trên thị trường carbon tự nguyện.

 

Từ khoá: TP. HCM, tín chỉ carbon, WB,
Tin mới lên