Tiêu điểm

Lý giải nguyên nhân những vụ cá biển chết hàng loạt trên thế giới

(VNF) - Hiện tượng cá biển chết hàng loạt tại miền Trung đang làm nóng dư luận suốt tuần qua. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng từng xảy ra tại nhiều quốc gia khác.

Lý giải nguyên nhân những vụ cá biển chết hàng loạt trên thế giới

Gần đây một số nơi trên thế giới như Mỹ, Úc cũng chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển. Theo báo chí Úc, vào khoảng giữa tháng Ba vừa qua, cá biển chết bắt đầu bị sóng đánh dạt vào bờ, trải dài 10 km ở khu vực Manari, miền Tây nước Úc. Ngoài cá, người dân còn thấy cả xác rùa biển cỡ nhỏ, rắn biển, thậm chí chim biển. 

Bộ Thuỷ sản Úc cho biết không tìm thấy bằng chứng của dịch bệnh. Nhà chức trách nước này sau khi điều tra vụ việc đã kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt là do các yếu tố môi trường: thuỷ triều lớn kết hợp với nắng nóng khiến cho nhiệt độ nước biển đột ngột tăng lên cao hơn so với bình thường.

Cùng thời điểm này, báo Mỹ NBC News đưa tin có khoảng 30.000 đến 40.000 xác cá mòi dầu dạt vào dọc bờ biển Florida. Thủ phạm của hiện tượng này được cho là hiện tượng El Nino.

CNN đưa tin El Nino đã hoành hành Florida thời gian gần đây, thậm chí ngay cả trong mùa khô của năm. Vào tháng Một, các vùng của miền trung bang này nhận được gấp ba lượng mưa so với bình thường của tháng. Tất cả lượng nước mưa đó sau đó hoà vào các con sông chảy qua khu dân cư đô thị hoá, cuốn theo phân bón và các chất ô nhiễm khác rồi đổ ra biển làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Nhưng tất cả không dừng lại ở đó. Nhiệt độ bỗng nhiên cao hơn bình thường trong suốt mùa đông đã làm bùng phát tảo biển nở hoa (còn gọi là thuỷ triều đỏ), giết hại nhiều héc ta thực vật dưới biển và chiếm ô xy dành cho cá và các loài động vật biển khác.

"Trăng non gây ra thuỷ triều thực sự, thực sự cả cao lẫn rất thấp. Có thể một khu vực cá mòi dầu bị lọt vào vùng thuỷ triều cao, khi thuỷ triều hạ thấp thì nó bị kẹt ở đó và nước bị thiếu ô xy nên tất cả bị ngộp thở", Mel Bell, giám đốc văn phòng quản lý hải sản thuộc Cục các nguồn lực tự nhiên của bang đưa ra giả thuyết như vậy.

Trước đó, cách đây một năm, hiện tượng cá chết nổi trắng bụng cũng xảy ra ở bờ biển Singapore. BBC đưa tin, không chỉ cá biển, cả mực, rắn biển, cá ngựa mà cả cá nuôi trong lồng cũng lăn ra chết, làm ngư dân thiệt hại đến hàng trăm nghìn đô la chỉ trong một đêm. 

Các nhà chức trách môi trường địa phương nhận định đây là hậu quả của hiện tượng tảo biển nở hoa cộng với sự thay đổi nhiệt độ nước đột ngột. BBC trích dẫn các quan chức chính phủ cho biết họ "quan ngại" về tác động tiềm năng lên đa dạng sinh học biển và đã tiến hành các bước điều tra và giúp nông dân làm sạch môi trường nước.

Hồi 2011, những hình ảnh từ truyền hình Mỹ cho thấy những lớp xác cá màu trắng dày hơn 30cm phủ kín mặt nước và quanh những con thuyền tư nhân đậu tại bến cảng King trên bãi biển Redondo.
 
"Bến cảng của bãi biển Redondo trôi nổi hàng ngàn, hàng ngàn con cá chết trắng trên mặt nước", Andrew Hughan, phát ngôn viên của Bộ nghề cá và săn bắn California thời điểm đó, cho biết.
 
Các chuyên gia cho biết hiện tượng cá chết hàng loạt này dường như là do chúng bị thiếu oxy do tảo và chết ngạt sau khi bị đánh xô vào bến cảng bởi những con sóng lớn và gió mạnh. 

Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng thủy văn hồi đầu năm nay, cường độ của đợt El Nino xảy ra ở Việt Nam sẽ đạt ngưỡng cao nhất vào tháng 3 và còn kéo dài đến giữa năm 2016. Biến đổi khí hậu sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có El Nino diễn biến ngày càng phức tạp và cũng có thể là một nguyên nhân gây cá chết.

Nguồn nước bị nhiễm độc cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết. Tuy nhiên, hiện tượng này thường xảy ra với cá sông hồ, nơi có lượng nước thấp và độ ô nhiễm cao, ít khi gặp ở biển.

Một giả thuyết khác cũng thường được nhắc đến là có thể có địa chấn, đứt gãy bề mặt đáy biển dẫn tới thay đổi nhiệt độ, xuất hiện khí độc hại khiến cá chết.

Tin mới lên