M&A

M&A trong giới ngân hàng: Thương vụ báo hiệu 1 thời bùng nổ mới

(VNF) - Hoạt động M&A trong ngành ngân hàng đang sôi động trở lại. Cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A ngân hàng Việt Nam dễ hơn trước. Còn các nhà đầu tư trong nước cũng có “cửa” M&A hiệu quả riêng.

M&A trong giới ngân hàng: Thương vụ báo hiệu 1 thời bùng nổ mới

Sôi động những thương vụ M&A ngành ngân hàng

Gần đây, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng gần đây trở nên sôi động với nhiều thương vụ đã diễn ra. Trong khi đó, nhiều nhà băng cũng đang triển khai những kế hoạch M&A mới.

Hôm 20/10, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của mình.

Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược SMBC. Theo đó, ngân hàng này chào bán hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC với giá trị 1,5 tỷ USD tương đương 35.900 tỷ đồng. Đây là thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam

Mới đây, SeABank cũng thông báo chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) tương đương 100% vốn điều lệ PTF cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với giá chuyển nhượng là 4,3 nghìn tỷ đồng.

Thỏa thuận chuyển nhượng PTF sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông cũng như nâng cao năng lực tài chính của SeABank.

Ngoài thương vụ này, SeABank còn có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.

Còn tại SHB, Reuters hồi tháng 7 cho hay, ngân hàng này đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2-2,2 tỷ USD.

Theo một số nguồn tin, thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4, SHB đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Ngoài bán vốn tại ngân hàng mẹ, tháng 5 vừa qua, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHB Finance cho đối tác Krungsri. Hai bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký.

Tại LPBank, nhà băng này đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 15,5%. Giá bán cho nhà đầu tư nước ngoài chưa được công bố nhưng sẽ không thấp hơn mệnh giá. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước, BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ lâu, nhưng vẫn chưa thực hiện thành công.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết: “Năm nay chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chúng tôi có một số nhà đầu tư tiềm năng nhưng không thể công bố được. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”.

Trong khi đó, tại Vietcombank, Chủ tịch Phạm Quang Dũng cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.

          Nhờ bán thành công 15% vốn, VPBank đã nâng hệ số an toàn vốn lên trên 20%

Cơ hội cho M&A ngân hàng

Những năm gần đây, ngành ngân hàng Việt Nam có sự thay đổi đáng kể với hoạt động tái cơ cấu toàn diện, số hóa và tập trung mở rộng dịch vụ đến các khu vực nông thôn.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam dần trở nên an toàn, có sức chống chịu tốt hơn. Song một số ngân hàng vẫn còn yếu kém, thiếu vốn và không đạt chuẩn, trở thành mục tiêu tiềm năng cho các hoạt động tái cơ cấu và M&A.

Hiện Việt Nam có 37 ngân hàng thương mại. Chính phủ muốn đẩy mạnh M&A để tạo ra các ngân hàng lớn mạnh hơn và có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng toàn cầu.

Cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A ngân hàng Việt Nam hiện nay nhiều và dễ hơn trước đây. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước vẫn có “cửa” M&A hiệu quả riêng.

Nhiều ngân hàng nhỏ trong nước đang xem xét tới việc M&A như một chiến lược để tăng cường sức khỏe tài chính và đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn quản lý nghiêm ngặt.

Thời gian tới, làn sóng M&A trong ngành ngân hàng sẽ diễn ra sôi động hơn khi Chính phủ và NHNN đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng.

Thống đốc NHNN đã có Chỉ thị 01 chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xử lý ngân hàng yếu kém thuộc diện tại cơ cấu hiện (DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank).

NHNN cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Đồng thời, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần theo kế hoạch sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém.

Để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã ban hành dự thảo cho phép các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (ngoại trừ nhóm nhân hàng “Big 4”) có thể được xem xét nới room ngoại lên mức tối đa 49%.

Một số thỏa thuận M&A liên quan đến các ngân hàng yếu kém chưa được công bố chính thức nhưng đang được thực hiện như chuyển giao CBBank cho Vietcombank, Đông Á Bank cho HDBank, Ocean Bank cho MB, GP Bank cho VPBank.

Với việc nền kinh tế bắt đầu sôi động trở lại, thị trường chứng khoán đang dần hồi phục, các ngân hàng tăng cường tìm nguồn vốn mới để bổ sung nguồn lực là tín hiệu đáng mừng, cho thấy triển vọng bán vốn của các ngân hàng trở nên sáng sủa hơn.

Hoạt động M&A trong ngành ngân hàng có triển vọng tích cực, sẽ góp phần thúc đẩy các nhà băng mở rộng hoạt động, cải thiện các dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh.

Các chuyên gia cho rằng, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển và ngành ngân hàng ngày càng trưởng thành hơn, các ngân hàng dù lớn hay nhỏ sẽ khám phá các cơ hội M&A, nhằm gia tăng thị phần và mức độ ảnh hưởng trên thị trường, cung cấp danh mục dịch vụ đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.

Về dài hạn, còn rất nhiều ngân hàng sẽ tham gia vào thị trường M&A. Song các thương vụ M&A lớn sẽ ít đi, nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua cổ phần các ngân hàng nhỏ hoặc công ty tài chính có nền tảng công nghệ yếu, hoặc mua cổ phần và đầu tư công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, bảo hiểm…

Tin mới lên