'Make in Viet Nam là lời giải đưa Việt Nam hùng cường, thịnh vượng'

Ngọc Lưu - 12/01/2021 14:07 (GMT+7)

(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu lĩnh vực công nghiệp ICT vẫn là gia công, làm thuê, thì lĩnh vực này vẫn như cũ. Nhưng nếu công nghiệp ICT là Make in Viet Nam thì sẽ là lời giải đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

VNF
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Thông tin và Truyền thông diễn ra vào ngày 12/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nhân loại đang bước vào một không gian sống mới, một giai đoạn đặc biệt, thế giới đang thay đổi nhanh, khó đoán định, phức tạp và mơ hồ.

Nhấn mạnh công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định ngành Thông tin và Truyền thông chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành định vị lại mình.

Theo Bộ trưởng, ngành Thông tin và Truyền thông cần nhìn rõ các thách thức và xác định đúng không gian sống mới đóng vai trò quyết định cho mọi sự phát triển.

Cụ thể, với bưu chính, nếu là chuyển phát thư và bưu kiện thì bưu chính sẽ vẫn là bưu chính. Nhưng nếu bưu chính là đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, nếu bưu chính là nền tảng để hỗ trợ mọi cá nhân, mọi hộ gia đình có thể kinh doanh, có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, thì bưu chính là nền tảng giúp người dân kinh doanh làm giàu và thoát nghèo.

Với viễn thông, nếu vẫn tiếp tục là hạ tầng thông tin liên lạc thì viễn thông sẽ vẫn là viễn thông. Nhưng nếu viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số, nếu viễn thông là hạ tầng của lưu trữ và xử lý dữ liệu, nếu viễn thông là hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ tới mọi người, mọi doanh nghiệp để giúp họ sáng tạo sản phẩm thì viễn thông đã trở thành hạ tầng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế số.

Nếu ứng dụng công nghệ thông tin vẫn tiếp tục là tự động hoá các hoạt động cũ thì sẽ vẫn là ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng nếu ứng dụng sử dụng công nghệ số để chuyển đổi số, để thay đổi mô hình vận hành thì công nghệ thông tin thực sự là một cuộc cách mạng giúp nhân loại di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số.

Nếu an toàn thông tin vẫn là bảo vệ hệ thống công nghệ thông tin thì sẽ vẫn như vậy. Nhưng nếu an toàn thông tin là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, là xây dựng nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng giống như công nghiệp quốc phòng, là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam, là trở thành cường quốc về an toàn, anh ninh mạng để bảo vệ đất nước trên không gian mạng thì an toàn thông tin sẽ thực sự có một không gian và sứ mệnh mới vô cùng lớn lao.

Với lĩnh vực công nghiệp ICT, nếu vẫn là lắp giáp, gia công, làm thuê thì lĩnh vực này cẫn như cũ. Nhưng nếu công nghiệp ICT là Make in Viet Nam, là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là làm chủ công nghệ, là thiết kế, là sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, là giải bài toán Việt Nam giúp, Việt Nam phát triển và từ đây đi ra chinh phục thế giới, là biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ, là tăng trưởng gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP cả nước, là động lực, là lời giải đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, thì lĩnh vực công nghiệp ICT đã nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới, hoàn toàn không như cũ nữa.

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới, không chỉ của ngành mà là của đất nước và của cả thế giới.

"Năm 2021 không chỉ là một năm mới, mà còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, là năm đầu của giai đoạn 25 năm để Việt Nam năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa. Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng cho rằng thách thức mới, cơ hội mới, tạo ra sứ mệnh mới, không gian mới. Từ đây sẽ tạo ra năng lực mới, cách tiếp cận mới, và đây là nguồn lực để chúng ta bứt phá, vươn lên. Do đó, các đơn vị trong ngành sẽ phải cụ thể hóa thành các chương trình hành động cụ thể.

“Tinh thần là khát vọng hùng cường thịnh vượng, sứ mệnh lớn, mục tiêu cao, cách tiếp cận mới, giải pháp đột phá, việc 5 năm làm trong 1 năm, phát triển nhanh và bền vững, qua đó xuất hiện người hiền tài cho ngành và cho đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác