Metro Nhổn - ga Hà Nội: Đề xuất lùi thời hạn hoàn thành, tăng vốn thêm gần 2.000 tỷ

Anh Hùng - 13/09/2022 09:22 (GMT+7)

(VNF) - UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thêm 5 năm và tổng mức đầu tư tăng thêm 1.916 tỷ đồng đối với dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.

VNF
Hà Nội đề xuất tăng vốn đầu tư thêm gần 2.000 tỷ đồng và lùi thời hạn hoàn thành đối với tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009 – 2022 thành 2009 – 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

Cùng với đó, UBND thành phố cũng đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 1.916 tỷ đồng (từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng). Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 7/8/2022 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Theo tờ trình, sau khi được HĐND thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, UBND thành phố sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong tháng 9/2022.

Liên quan đến dự án trên, trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị nhà thầu thi công và TP. Hà Nội để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vào ngày 7/8.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư, TP. Hà Nội, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và TP. Hà Nội chưa chặt chẽ, hiệu quả. Các vướng mắc, vấn đề phát sinh không kịp thời được xử lý.

Thủ tướng nêu rõ, cuộc họp đã cơ bản thống nhất về định hướng xử lý một số vấn đề. Cụ thể, về mặt tiến độ, đoạn trên cao phải phấn đấu hoàn thành chậm nhất là 31/12/2022.

Nhà thầu đã cam kết đáp ứng tiến độ này, chủ đầu tư là UBND TP. Hà Nội phải đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu; đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Về điều chỉnh tổng mức đầu tư, không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp (do liên quan tới nhiều loại ngoại tệ, nhiều nhà tài trợ từ nhiều nước, thay đổi tỷ giá…) mà sử dụng ngân sách nhà nước. 

Về các vướng mắc giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước, quy định của nhà tài trợ, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp.

Về thủ tục, các bộ ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động phối hợp với TP. Hà Nội để triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng; tiến hành song song các thủ tục thuộc thẩm quyền của Hà Nội và của các bộ ngành.

Về tổ chức thực hiện, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp chỉ đạo theo định hướng chung đã cơ bản được thống nhất tại cuộc họp; Văn phòng Chính phủ tăng cường tham mưu, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ; các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải… vào cuộc với tiến độ công việc cụ thể, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, vấn đề đặt ra.

Cùng chuyên mục
Tin khác