Mexico phản đối nỗ lực ‘can thiệp’ của Mỹ trong giao thương với Trung Quốc
(VNF) - Đại sứ Mexico tại Trung Quốc, ông Jesus Seade Kuri, cho biết dù Mexico xem Mỹ là đối tác kinh doanh hàng đầu nhưng nước này vẫn phản đối nỗ lực của Washington nhằm quyết định các giao dịch với Trung Quốc.
Điểm đến hấp dẫn cho các công ty Trung Quốc
Quốc gia Mỹ Latinh này ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài trong những năm gần đây, nhờ vào việc tái cấu trúc thương mại Mỹ-Trung và chiến lược chuyển dịch sản xuất của Washington.
Theo Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), một hiệp định thương mại tự do giữa ba quốc gia có hiệu lực vào năm 2020, các sản phẩm được sản xuất tại Mexico đáp ứng một số quy tắc xuất xứ nhất định có thể được xuất khẩu sang Mỹ mà không phải chịu thuế quan.
Điều đó mang lại cho Mexico lợi thế lớn vì các sản phẩm được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc phải chịu mức thuế quan cao hơn nhiều, trong đó nhiều mức thuế đã được áp dụng kể từ cuộc chiến thương mại do cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng.
Năm ngoái, Mexico đã trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, chấm dứt chuỗi 17 năm giữ vị trí này của Trung Quốc.
Thương mại giữa Trung Quốc và Mexico đã tăng vọt trong thời gian gần đây. Theo nền tảng dữ liệu vận chuyển Xeneta, tốc độ tăng trưởng hàng năm của vận chuyển container giữa Trung Quốc và Mexico đã tăng 34,8% vào năm 2023, so với mức tăng chỉ 3,5% vào năm 2022.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, tổng giá trị thương mại giữa hai nước đạt 63,6 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023, theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc.
Thâm hụt thương mại quá mức
Nhưng mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ vào tháng 4, khi Mexico áp dụng mức thuế tạm thời từ 5% - 50% đối với việc nhập khẩu 544 sản phẩm, bao gồm thép, hàng dệt may, giày dép và đồ điện tử, từ các quốc gia không có hiệp định thương mại tự do với Mexico. Và Trung Quốc, với khối lượng thương mại lớn hơn với quốc gia này, đã bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Việc tăng thuế quan được ban hành không phải vì áp lực từ Mỹ, mà là vì sự mất cân bằng thương mại giữa Mexico và Trung Quốc "có vẻ tệ về mặt chính trị", ông Seade cho biết.
Trung Quốc vẫn duy trì vị thế là nhà cung cấp chính thứ hai của Mexico, với giá trị sản phẩm nhập khẩu đạt 114 tỷ USD vào năm 2023, trong khi tổng giá trị xuất khẩu của Mexico sang Trung Quốc là 10,1 tỷ USD - tạo ra thâm hụt 104 tỷ USD trong mối quan hệ thương mại song phương, theo dữ liệu từ Ngân hàng Mexico.
“Chúng tôi chỉ muốn các công ty Trung Quốc sản xuất tại Mexico, tạo việc làm tại Mexico và mang công nghệ đến, thay vì xuất khẩu hàng hóa theo cách lạnh lùng không mang lại lợi ích nào khác ngoài chính hàng hóa đó”, ông nhấn mạnh thêm.
Do đó, theo nhà ngoại giao Mexico, thuế quan có thể được coi là “sự khuyến khích” để các công ty Trung Quốc đầu tư và sản xuất tại Mexico, điều này sẽ giúp khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại quá mức.
Tuy nhiên, ông cho biết khái niệm về thương mại cân bằng nên được cân nhắc cẩn thận, vì các sản phẩm xuất khẩu từ Mexico thường chứa các bộ phận của Trung Quốc.
“Nếu chúng tôi tăng gấp đôi lượng xuất khẩu, chúng tôi có thể sẽ tăng gấp đôi lượng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó không liên quan gì đến mất cân bằng thương mại”, ông nói thêm rằng mặc dù có những lý do chính đáng đằng sau sự mất cân bằng đó.
Trung Quốc hiện là điểm đến lớn thứ ba đối với hàng xuất khẩu của Mexico, sau Mỹ và Canada, với các sản phẩm chủ yếu bao gồm khoáng sản và nông sản và Mexico đang đàm phán rất tích cực với Trung Quốc hầu như mỗi ngày để tăng cường xuất khẩu hơn nữa.
Mặc dù sự quan tâm của các công ty Trung Quốc tăng đột biến, nhưng nhìn chung, đầu tư từ Trung Quốc vào Mexico vẫn chỉ là một phần nhỏ so với những gì đến từ các quốc gia như Mỹ.
Năm 2023, Trung Quốc thậm chí còn không lọt vào top 10 nhà đầu tư tại Mexico vì một số công ty Trung Quốc đã sử dụng các công ty con ở nước ngoài để đầu tư vào Mexico nhằm tránh bị chính thức dán nhãn là “đầu tư của Trung Quốc”.
Theo ông Sead, trong số tất cả các khoản đầu tư nước ngoài, đầu tư của Trung Quốc vào Mexico đặc biệt được hoan nghênh, vì “Trung Quốc là động lực tăng trưởng trên toàn cầu và là một nhà sản xuất cũng như là nguồn công nghệ tuyệt vời ”.
Hiện tại, hầu hết các nhà máy của Trung Quốc tại Mexico đều nằm ở các tiểu bang phía bắc của đất nước, nơi thiếu nước và điện. Do đó, các nhà đầu tư mới được khuyến khích khám phá các tiểu bang khác ở phía nam, ông nói thêm.
"Chúng tôi muốn các công ty Trung Quốc không chỉ mang đến sản xuất và công nghệ mà còn thực sự hợp tác với các tổ chức của Mexico để tạo ra công nghệ đó thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển", ông Seade nói.
Công ty Trung Quốc “đi trên băng mỏng”
Ông Seade, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mexico cho USMCA, cho biết căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ là "tin xấu" đối với Mexico.
“Một số người nghĩ rằng đó hẳn là tin tốt, vì nếu Mỹ tức giận với Trung Quốc, họ sẽ mua hàng từ Mexico. Điều đó thật vô lý. Mỹ là đối tác kinh doanh lớn nhất của chúng tôi… Trung Quốc là đối tác kinh doanh thứ hai của chúng tôi”, ông Seade nói.
“Chúng tôi phát triển khi cả hai đối tác của chúng tôi phát triển. Khi hai đối tác của chúng tôi bất đồng quan điểm và đưa ra các biện pháp không giúp ích cho nhau, sự phát triển của cả hai đối tác sẽ bị ảnh hưởng và đó là tin xấu đối với chúng tôi”, ông lý giải thêm.
Tuy nhiên, với việc Mỹ ngày càng cảnh giác về sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Mexico, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã thành lập nhà máy tại Mexico cảm thấy như thể họ đang đi trên băng mỏng.
Cho đến nay, tiếng nói lớn nhất đến từ ông Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, người đã nhiều lần phàn nàn về các công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy ở Mexico và bán sản phẩm cho Mỹ.
Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến thăm Mexico để tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh và tài chính, trong đó hai bên nhất trí thiết lập một cơ chế giám sát và sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài vào nước này.
Ông Seade cho biết cơ chế này nhằm mục đích cấm các công ty lách thuế bằng cách lợi dụng USMCA, vì có cáo buộc các công ty Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng lại nói là có nguồn gốc từ Mexico để đủ điều kiện áp dụng quy tắc xuất xứ.
“Chúng tôi cũng không thích bỏ qua các quy tắc. Đây chỉ là những câu hỏi về việc áp dụng hiệu quả các quy tắc đã tồn tại trong luật pháp Mexico, bao gồm cả USMCA, một phần của luật pháp Mexico", ông Seade nêu rõ.
“Khi đầu tư vào Mexico, bạn cần phải có những tiêu chuẩn minh bạch nhất định”, ông nhấn mạnh và cho hay các công ty Trung Quốc không nên lo lắng, miễn là họ đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, vì cơ chế giám sát có thể mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý hơn cho khoản đầu tư của họ.
Theo nhà ngoại giao Mexico, thuế quan do chính phủ Mexico áp đặt nhằm khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư và sản xuất tại Mexico và các công ty này không cần phải lo lắng về sự cảnh giác ngày càng tăng hoặc thậm chí là các mối đe dọa từ Mỹ, vì các quyền hợp pháp của họ được bảo vệ theo khuôn khổ pháp lý của Mexico.
“Mexico cần đa dạng hóa nền chính trị, kinh tế và thương mại của mình, và Trung Quốc là một nhân tố chủ chốt trong việc này và là một người bạn tốt của Mexico”, ông Seade nhấn mạnh.
Ông cho biết, trong khi Mexico cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Washington, nơi có ảnh hưởng rất lớn về mặt chính trị, kinh tế và văn hóa đối với Mexico, thì việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với phần còn lại của thế giới cũng quan trọng không kém.
Trung Quốc chỉ trích mức thuế mới của EU lên xe điện, cảnh báo đáp trả
- 230 tỷ USD kiều hối đã đổ về Việt Nam 22/08/2024 03:03
- Trung Quốc liên tiếp tung đòn đáp trả EU 22/08/2024 08:00
- Giá vàng tăng 21% trong 7 tháng, liên tiếp lập đỉnh 22/08/2024 10:56
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.