Trung Quốc liên tiếp tung đòn đáp trả EU
(VNF) - Ngày 21/8, Trung Quốc đã công bố cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm từ sữa được sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU). Đây được xem là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm trả đũa việc khối này tăng thuế đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất.
- EU ‘xuống tay’ với xe điện, Trung Quốc lập tức phản ứng 05/07/2024 03:02
Trung Quốc "ăn miếng trả miếng"
Trong tuyên bố đưa ra ngày 21/8, Bộ Thương mại Trung Quốc (Mofcom) thông báo sẽ tiến hành điều tra với các sản phẩm phô mai tươi và đã chế biến, sữa và kem không đặc không thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác từ EU.
Quyết định này được đưa ra sau khi EU sửa đổi mức thuế chống trợ cấp đối với một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc một ngày trước đó, điều mà Bắc Kinh vẫn lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Trước đó vào tháng 6, Trung Quốc cũng đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ EU.
Theo hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 315 triệu USD các sản phẩm sữa từ EU.
Pháp là nước cung cấp hàng đầu khi vận chuyển tổng sản phẩm trị giá 115 triệu USD trong giai đoạn này, Ý đứng thứ hai với 43 triệu USD.
Hai nước này cũng là thành viên chủ chốt ủng hộ việc tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi Hiệp hội Sữa Trung Quốc và Hiệp hội Công nghiệp Sữa Trung Quốc nộp đơn xin điều tra chống trợ cấp vào tháng 7.
Dựa trên đơn đăng ký, Mofcom cho biết cuộc điều tra sẽ bao gồm 20 khoản trợ cấp có lợi cho ngành công nghiệp sữa và các công ty của EU.
Bộ này cho biết thêm rằng cuộc điều tra bắt đầu vào ngày 21/8 và dự kiến sẽ kéo dài không quá một năm, nhưng có thể được gia hạn thêm 6 tháng nữa.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết quyết định của nước này về việc tiến hành điều tra chống trợ cấp các sản phẩm sữa của EU là "không có gì bất ngờ".
“Phòng Thương mại sẽ theo dõi cuộc điều tra đang diễn ra và hy vọng rằng cuộc điều tra sẽ được tiến hành một cách công bằng và minh bạch. Chúng tôi hy vọng các công ty thành viên bị ảnh hưởng sẽ hợp tác hết mình với cuộc điều tra”, cơ quan này nhấn mạnh thêm.
Ông Olof Gill, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu về thương mại và nông nghiệp, cho biết ủy ban đã ghi nhận cuộc điều tra về sữa của Trung Quốc.
“Ủy ban sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp sữa EU và chính sách nông nghiệp chung, đồng thời can thiệp khi cần thiết để đảm bảo rằng cuộc điều tra tuân thủ đầy đủ các quy tắc có liên quan của Tổ chức Thương mại Thế giới”, người phát ngôn nhấn mạnh thêm.
EU điều chỉnh thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc
Ngày 20/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã sửa đổi đề xuất thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. EC cho biết, cơ quan này vẫn tin rằng hoạt động sản xuất xe điện của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp quá mức, vì thế EC đề xuất mức thuế cuối cùng lên tới 36,3%.
Con số này thấp hơn một chút so với mức thuế tạm thời tối đa là 37,6% được đề xuất vào tháng 7 đối với các công ty không hợp tác với cuộc điều tra chống trợ cấp của EU.
Theo đó, mức thuế suất cao nhất là 36,3% sẽ được áp dụng đối với các công ty bao gồm SAIC (do nhà nước sở hữu). Xe điện do BYD sản xuất sẽ phải chịu mức thuế suất là 17% thay vì 17,4%. Đối với xe điện do Geely sản xuất, mức thuế suất đã giảm từ 20% xuống 19,3%.
17 công ty khác được cho là đã hợp tác với cuộc điều tra của EU sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn một chút là 21,3%, tăng từ 20,8%, sau khi ủy ban phát hiện ra lỗi trong các tính toán ban đầu của mình.
Đề xuất cuối cùng sẽ được 27 quốc gia thành viên của EU bỏ phiếu vào tháng 10, trước khi được đưa vào luật trong 5 năm. Đề xuất này chỉ có thể được đảo ngược nếu đa số các quốc gia bỏ phiếu chống lại các mức thuế.
Có vẻ như các cuộc tham vấn và đàm phán giữa hai bên cho đến nay thực sự không có tác động tích cực nào. Trong một cuộc bỏ phiếu được thực hiện vào tháng 7, chỉ có 4 quốc gia EU bỏ phiếu chống lại các đề xuất.
Đầu tháng này, Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đã đệ đơn khiếu nại về việc EU tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ông Cui Hongjian, giáo sư tại Học viện Quản trị Khu vực và Toàn cầu tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho biết: “Có vẻ như các cuộc tham vấn và đàm phán giữa hai bên cho đến nay thực sự không mang lại tác động tích cực nào”.
Nhưng ông Cui nói thêm rằng các động thái của Bắc Kinh vẫn còn hạn chế vì họ vẫn muốn ổn định mối quan hệ với EU.
“Cho dù đó là xe điện hay các lĩnh vực khác, bất kể tác động của nó đến các ngành công nghiệp lớn đến mức nào thì đây vẫn là những vấn đề tương đối nhỏ đối với toàn bộ nền kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU”, ông Cui cho hay.
“Vì vậy, Trung Quốc phải phản ứng với những tranh chấp này để thể hiện lập trường rõ ràng của mình với phía châu Âu, nhưng đồng thời tránh mở rộng những tác động tiêu cực đến sự ổn định của toàn bộ mối quan hệ kinh tế và thương mại. Tôi nghĩ đây là nguyên tắc mà Trung Quốc muốn tuân thủ”, vị giáo sư nhấn mạnh thêm.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) ngày 21/8 đã lên tiếng phản đối dự thảo sửa đổi của EU liên quan đến thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. CAAM cho rằng quyết định về các mức thuế trên đem lại rủi ro lớn, cùng với đó là sự thiếu chắc chắn đối với hoạt động và đầu tư của Trung Quốc tại EU.
Trung Quốc siết xuất khẩu kim loại hiếm và những ‘tác động tiềm ẩn’
- Trung Quốc phê duyệt kỷ lục 11 dự án điện hạt nhân, tổng vốn 31 tỷ USD 20/08/2024 01:17
- Chiến sự càng khốc liệt, Nga càng bán nhiều dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ 19/08/2024 03:38
- Trung Quốc siết xuất khẩu antimon, gây lo ngại toàn cầu 18/08/2024 09:15
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.