Trung Quốc siết xuất khẩu antimon, gây lo ngại toàn cầu
(VNF) - Trung Quốc đã công bố những hạn chế đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu antimon bắt đầu từ ngày 15/9. Động thái này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm ưu tiên an ninh quốc gia, tuy nhiên, nó cũng gây ra nhiều lo ngại vì quốc gia này cung cấp gần một nửa lượng antimon của thế giới.
Siết kiểm soát antimon
Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 48% sản lượng antimon khai thác trên toàn cầu. Ứng dụng lớn nhất của kim loại màu xám sáng bóng này là chất chống cháy (50%), khoảng 20% được sử dụng để sản xuất kính quang điện nhằm cải thiện hiệu suất của pin mặt trời, phần còn lại được sử dụng trong pin axit chì.
Antimon cũng được sử dụng trong các thiết bị quân sự như tên lửa hồng ngoại, vũ khí hạt nhân và kính nhìn ban đêm, và làm chất làm cứng cho đạn và xe tăng.
Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết các công ty cần phải được chính phủ cấp phép để xuất khẩu các mỏ quặng antimon, oxit và hydrua, antimonua indi và các hợp chất antimon hữu cơ và công nghệ tách antimon vàng.
Người phát ngôn của Bộ Công thương Trung Quốc cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không nhắm vào bất kỳ quốc gia hoặc khu vực cụ thể nào trong khi các mặt hàng xuất khẩu tuân thủ các quy định có liên quan sẽ được chấp thuận.
Ông nói thêm rằng động thái này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân và các nghĩa vụ quốc tế khác.
Ông cho biết chính phủ Trung Quốc phản đối bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào sử dụng các mặt hàng do Trung Quốc kiểm soát để tham gia vào các hoạt động phá hoại chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một chuyên gia công nghệ tại Quảng Đông cho biết trong bài báo đăng cuối tuần qua rằng Trung Quốc muốn sử dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu antimon để trả đũa lệnh cấm chip của Mỹ.
Tác giả cho biết Trung Quốc có trữ lượng và năng lực sản xuất antimon lớn nhất thế giới và sẽ có lợi thế trong việc phát triển các công cụ hồng ngoại, thiết bị viễn thông hiệu suất cao, sản phẩm hợp kim và chất bán dẫn thế hệ tiếp theo.
Ông nhấn mạnh rằng Qingdao Haohan Quancai Semiconductor Co Ltd và Optics Technology Holding đã bắt đầu sản xuất chip thế hệ tiếp theo bằng cách sử dụng gallium và indium antimonide.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc có trữ lượng antimon là 640.000 tấn, chiếm 30% tổng trữ lượng của thế giới.
Giá antimon tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong năm nay, do nguồn cung eo hẹp và nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là từ lĩnh vực quang điện, nơi kim loại này được sử dụng để cải thiện hiệu suất của pin mặt trời.
Điều đó đã giúp đẩy giá cổ phiếu của các nhà sản xuất Trung Quốc bao gồm Hunan Gold, Tibet Huayu Mining và Guangxi Huaxi Non-Ferrous tăng từ 66%-93% kể từ đầu năm đến nay.
Một nhà sản xuất antimon ở tỉnh Hồ Nam cho biết họ đang chờ xem kết quả của động thái mới nhất, nhưng nói thêm: "Chúng tôi tin rằng trong ngắn hạn, giá sẽ được hỗ trợ bởi làn sóng tích trữ ồ ạt từ người mua ở nước ngoài".
Gây lo ngại toàn cầu
Những biện pháp hạn chế mới nhất của Trung Quốc diễn ra sau làn sóng hạn chế tương tự được đưa ra kể từ năm ngoái.
Vào tháng 12/2023, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm, sau lệnh cấm xuất khẩu công nghệ khai thác và tách các vật liệu quan trọng này.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Trung Quốc đã áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu đối với gali và germani. Gali được sử dụng trong chất bán dẫn hợp chất, thường được sử dụng để cải thiện tốc độ truyền và hiệu quả trong radar. Germani được sử dụng trong kính nhìn ban đêm và pin mặt trời dùng để cung cấp năng lượng cho nhiều vệ tinh.
Theo Hiệp hội công nghiệp châu Âu Critical Raw Materials Alliance (CRMA), Trung Quốc kiểm soát khoảng 80% nguồn cung cấp gali và 60% germani của thế giới.
Trong khi Trung Quốc là nhà cung cấp antimon tinh chế lớn nhất, nước này lại là nước nhập khẩu ròng các chất cô đặc và phụ thuộc vào quặng từ các nước như Thái Lan, Myanmar và Nga. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Nga đã giảm mạnh trong năm nay.
Ông Jack Bedder, đồng sáng lập công ty tư vấn Project Blue, cho biết: "Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cô đặc vẫn là đặc điểm chính của thị trường antimon hiện nay".
Mỹ và các quốc gia khác đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu chính, bằng cách đề ra các chính sách và gói hỗ trợ cho các ngành khoáng sản quan trọng của họ, bao gồm cả đất hiếm.
Trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng 4, các nhà phân tích tại China Securities cho biết nhu cầu về vũ khí và đạn dược ngày càng tăng do chiến sự và căng thẳng địa chính trị có thể khiến việc kiểm soát và dự trữ quặng antimon được thắt chặt.
Ông Perpetua Resources, công ty đang xây dựng một dự án antimon và vàng của Mỹ với sự hỗ trợ của Lầu Năm Góc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ, ban đầu đã có kế hoạch bắt đầu sản xuất vào năm 2028, nếu công ty này có được giấy phép cuối cùng trong năm nay. Nhưng động thái của Trung Quốc có nghĩa là công ty đang nghiên cứu các cách để sản xuất antimon nhanh hơn.
Trung Quốc xây giàn khoan dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới
- Sau phiên ‘đỏ lửa’, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm kỷ lục 06/08/2024 04:15
- Chứng khoán toàn cầu bị ‘đánh thức’ khỏi giấc mơ Mỹ hạ cánh mềm 06/08/2024 11:28
- Đầu tư thời AI: Cố vấn tài chính ‘phi con người’ quản lý 20 tỷ USD tài sản 01/08/2024 11:07
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.