Chiến sự càng khốc liệt, Nga càng bán nhiều dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ

Minh Đăng - 19/08/2024 15:38 (GMT+7)

(VNF) - Khi chiến sự Nga - Ukraine ngày càng khốc liệt, Nga tiếp tục tăng mạnh khối lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ.

Vào cuối năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã áp dụng mức giá trần khoảng 60 USD/thùng đối với các lô hàng dầu thô của Nga để tiếp cận các dịch vụ phương Tây cần thiết cho việc vận chuyển, bao gồm bảo hiểm và tàu chở dầu. Mụch đích là hạn chế khối lượng dầu thô xuất khẩu của Nga cũng như thu nhập của Moscow từ việc bán dầu trên thị trường toàn cầu.

Nhưng theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), các lệnh trừng phạt của phương Tây dường như không có nhiều tác động đến Trung Quốc và Ấn Độ, hai trong số những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 năm 2019 tại Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: Mikhail Klimentyev/AFP)

Vào tháng 7, Trung Quốc đã mua 47% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga theo khối lượng, tiếp theo là Ấn Độ chiếm 37%. Người mua ở Liên minh châu Âu (EU) chiếm 7% và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 6%.

Có vẻ như xu hướng này tiếp tục vào năm 2024 giữa Nga và Trung Quốc và đặc biệt là Nga và Ấn Độ. Lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga chiếm tới 40% tổng lượng dầu mua trên thị trường toàn cầu.

Để hiểu rõ hơn, trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ, lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm chưa đến 1% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ nhập khoảng 1,85 đến 1,95 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, xấp xỉ khoảng 3 tỷ USD.

Theo các nguồn giao dịch thực tế tại Singapore và Mumbai, giá dầu thô Ural của Nga thường thấp hơn giá dầu thô Brent từ 5-10%. Mức chiết khấu này đóng vai trò là động lực cho người mua.

Giá bán chưa đạt đến mức trần mà các quốc gia phương Tây dự đoán. Điều đó phần lớn là nhờ vào các đội tàu chở dầu “bóng đêm”, tức là các tàu chở dầu có nguồn gốc sở hữu không rõ ràng được tạo ra thông qua nhiều thực thể khác nhau khiến việc xác định ai thực sự sở hữu hoặc kiểm soát chúng trở nên khó khăn.

CREA lưu ý rằng: "81% tổng giá trị dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga được vận chuyển bằng các đội tàu bóng đêm, trong khi tàu chở dầu do các quốc gia áp dụng giá trần sở hữu hoặc được bảo hiểm chiếm 19%”.

"Sự phụ thuộc của Nga vào các tàu chở dầu do các nước G7 sở hữu hoặc bảo hiểm đã giảm do sự gia tăng của các tàu chở dầu bóng đêm. Điều này ảnh hưởng đến đòn bẩy của liên minh nhằm hạ giá trần và ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu dầu của Nga", báo cáo của CREA nêu rõ.

Mặc dù đã có những lời kêu gọi hạn chế ảnh hưởng của tàu chở dầu bóng đêm, nhưng điều này đã chứng minh là rất khó khăn trong thực tế. Về phần mình, CREA đề xuất: "Các quốc gia áp dụng lệnh trừng phạt nên cấm bán tàu chở dầu cũ cho chủ sở hữu đã đăng ký tại các quốc gia không thực hiện chính sách giới hạn giá dầu".

Nhưng dầu không phải là mặt hàng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch duy nhất của Nga đang tìm đường đến Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai quốc gia này đều là những nước tiêu thụ than lớn và than của Nga chắc chắn cũng đã đến bờ biển của họ, theo CREA.

CREA cho biết: "Từ ngày 5/12/2022 đến cuối tháng 7/2024, Trung Quốc đã mua 45% tổng lượng than xuất khẩu của Nga, tiếp theo là Ấn Độ (18%). Thổ Nhĩ Kỳ (10%), Hàn Quốc (10%) và Đài Loan (5%) nằm trong danh sách năm nước mua hàng đầu”.

Theo Forbes
Tiền bán nhiên liệu của Nga vượt xa viện trợ của EU cho Ukraine

Tiền bán nhiên liệu của Nga vượt xa viện trợ của EU cho Ukraine

Tài chính quốc tế
(VNF) - Giá khí đốt tăng ở châu Âu do các cuộc đột kích của Ukraine vào lãnh thổ Nga dự kiến sẽ làm tăng doanh thu cho Điện Kremlin từ việc bán nhiên liệu hóa thạch, qua đó làm gia tăng thêm khoảng cách giữa các khoản thu đó với tổng số tiền hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine.
Cùng chuyên mục
Tin khác