Tiền bán nhiên liệu của Nga vượt xa viện trợ của EU cho Ukraine
(VNF) - Giá khí đốt tăng ở châu Âu do các cuộc đột kích của Ukraine vào lãnh thổ Nga dự kiến sẽ làm tăng doanh thu cho Điện Kremlin từ việc bán nhiên liệu hóa thạch, qua đó làm gia tăng thêm khoảng cách giữa các khoản thu đó với tổng số tiền hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine.
Theo phân tích của tổ chức nghiên cứu CREA, kể từ khi Điện Kremlin đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, các nước EU đã chi 200 tỷ euro (219 tỷ USD) cho nhiên liệu hóa thạch của Nga, chủ yếu là dầu và khí đốt.
Trong khi đó, tổng số tiền hỗ trợ của EU và Mỹ cho Ukraine chỉ ở mức 185 tỷ euro, theo số liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Thu nhập từ việc bán khí đốt của Nga, chỉ chiếm chưa đến một nửa thu nhập từ việc cung cấp năng lượng cho EU, sẽ tăng mạnh do giá khí đốt bất ngờ tăng 13% trong tuần qua.
Giá khí đốt châu Âu bắt đầu tăng vọt do lo ngại về nguồn cung, sau khi lực lượng Ukraine phát động cuộc tấn công xuyên biên giới vào Khu vực Kursk của Nga. Một trong những thị trấn bị ảnh hưởng bởi các cuộc đụng độ là Sudzha, nằm cách biên giới khoảng 9km. Thị trấn này có trạm vận chuyển khí đốt cuối cùng còn hoạt động giữa Ukraine và Nga.
Theo truyền thông Nga, các nhà đầu tư lo ngại về tác động có thể xảy ra của cuộc giao tranh đối với hoạt động vận chuyển khí đốt từ Nga sang EU thông qua mạng lưới trung chuyển của Ukraine.
Tạp chí thương mại EnergyFlux viết rằng: "Đợt tăng giá là một canh bạc đầu cơ vào sự gián đoạn nguồn cung". Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng đợt tăng giá có thể sụp đổ vì sự lo lắng "bị cường điệu".
Nhưng trong khi châu Âu đã nỗ lực rất nhiều để cai nghiện năng lượng của Nga, giá khí đốt tăng vọt do sự cố Kursk lại làm nổi bật một vấn đề lớn hơn: Tiền từ châu Âu vẫn tiếp tục chảy vào Điện Kremlin để đổi lấy năng lượng.
Theo CREA, chỉ tính riêng từ ngày 29/7 đến ngày 4/8, các nước EU đã chi hơn 400 triệu euro cho Nga, chủ yếu vào khí đốt và dầu .
Nếu so với thời điểm trước chiến sự, con số này chẳng đáng là bao. Nhưng nó có ý nghĩa là mặc dù EU đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm sự phụ thuộc vào Nga, nhưng vẫn chưa thể cai nghiện hoàn toàn.
Than của Nga đã bị cấm hoàn toàn ở châu Âu, nhưng với các nguồn năng lượng khác thì chưa.
Theo phân tích của tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), trong khi Nga hiện cung cấp chưa đến 3% lượng dầu diesel của EU (giảm so với mức khoảng 50% vào năm 2021) và chưa đến 5% lượng dầu thô (giảm so với mức 25%) thì tổng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga đã giảm chỉ khoảng 75% trong cùng kỳ, với lưu lượng đường ống giảm từ 155 tỷ mét khối (bcm) xuống còn 27 bcm vào năm 2023.
Sự gia tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đã làm giảm bớt sự sụt giảm chung.
Một liên minh đa đảng của các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) đã cảnh báo vào tháng 3 rằng "châu Âu vẫn là khách hàng lớn nhất của đường ống dẫn khí đốt và khí LNG của Nga", đồng thời kêu gọi cấm tất cả các mặt hàng năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, thực trạng tại thời điểm đó cho tới nay vẫn không thay đổi. Một mạng lưới các hợp đồng dài hạn, các quốc gia không giáp biển phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu đến phương Đông và việc thiếu các hạn chế đối với hàng hóa LNG vẫn khiến tiền của châu Âu đổ vào túi của Điện Kremlin.
Từ đầu tháng 8, các nước EU có quyền đơn phương cấm LNG của Nga khi các quy tắc thị trường khí đốt mới của khối có hiệu lực. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào thực hiện bước đi này, mặc dù Lithuania đã kêu gọi tẩy chay hoàn toàn với LNG của Nga vào tháng 7.
Các lệnh trừng phạt của EU áp dụng đối với Nga cho đến nay vẫn chưa nhắm vào nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống. Nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, đã tự nguyện ngừng nhập khẩu. Tuy nhiên, Áo, Hungary, Slovakia và Ý vẫn đang nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga.
Tuần trước, Slovakia báo cáo rằng lượng khí đốt nhập khẩu đã giảm, lưu ý rằng "nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua Ukraine tới Slovakia đang bị đe dọa nghiêm trọng" do giao tranh.
Thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Gazprom và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay và Kiev cho biết họ không có kế hoạch gia hạn. Tháng trước, có thông tin cho biết một số nước EU đang thảo luận về các cách thức cho phép khí đốt tiếp tục lưu thông qua mạng lưới vận chuyển của Ukraine sau năm 2024.
Tỷ phú Nga đòi bồi thường 16 tỷ USD vì tài sản bị đóng băng
- Hàng giá rẻ tràn lan, 'người hàng xóm' Trung Quốc ra tay trấn áp 15/08/2024 11:45
- Cánh cửa với ngân hàng Trung Quốc đóng lại, nước Nga bế tắc 15/08/2024 08:45
- Thủ tướng Nhật Bản Kishida bất ngờ tuyên bố từ chức vào tháng 9 14/08/2024 12:07
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.