Cánh cửa với ngân hàng Trung Quốc đóng lại, nước Nga bế tắc
(VNF) - Tác động của các lệnh trừng phạt dường như đang ngày càng tồi tệ hơn với các doang nghiệp Nga khi ngay cả các ngân hàng địa phương của Trung Quốc cũng đã ngừng xử lý các giao dịch với Nga để tránh bị liên đới.
Từ chối xử lý thanh toán từ Nga
Việc bị cô lập khỏi thị trường tài chính quốc tế đã khiến Nga phải dựa vào đồng nhân dân tệ cho phần lớn các giao dịch thương mại với Trung Quốc.
Kể từ tháng 1, ngày càng nhiều tổ chức tài chính lớn, chẳng hạn như China CITIC Bank và Bank of China, đã trì hoãn các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ với Nga.
Các ngân hàng khu vực của Trung Quốc, trước đây được cho là lựa chọn an toàn hơn cho các giao dịch xuyên biên giới do ít tiếp xúc với thị trường quốc tế, giờ đây cũng đã hưởng ứng theo.
Ông Alexey Razumovsky, giám đốc thương mại của công ty thanh toán Impaya Rus, chia sẻ với hãng truyền thông Izvestia rằng hiện nay, 98% các ngân hàng Trung Quốc, ngay cả những ngân hàng khu vực nhỏ, đang từ chối chấp nhận chuyển khoản thanh toán trực tiếp từ Nga.
Những vấn đề như vậy dường như đã trở nên trầm trọng hơn trong ba tuần qua, vì trước đó các công ty tài chính nhỏ hơn của Trung Quốc vẫn đang xử lý các khoản thanh toán của Nga vào tháng 5 và tháng 6, theo Izvestia.
Ông Alexi Poroshin, Tổng giám đốc điều hành của First Group JSC, cho biết các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã tăng cường giám sát chặt chẽ dòng tiền nhân dân tệ, chia chúng thành hai loại "sạch" và "bẩn".
Tháng trước, tờ Kommersant của Nga đưa tin rằng khoảng 80% giao dịch chuyển khoản ngân hàng bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã được phục hồi mà không có lời giải thích nào sau khi bị đình trệ trong nhiều tuần trong khi các ngân hàng quyết định xem liệu họ có thể giao dịch hay không.
Ông Razumovsky nói với Izvestia rằng những thách thức trong thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc có thể góp phần gây ra khó khăn cho chuỗi cung ứng và tình trạng lạm phát ở Nga.
Kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine, Nga và các đối tác thương mại của nước này đã lách lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng các ngân hàng nhỏ hơn và các phương thức thanh toán khác hoặc các loại tiền tệ không phải USD để tránh lệnh cấm của phương Tây đối với một số ngân hàng Nga.
Nhưng cánh cửa này đã đóng lại kể từ tháng 12, khi Mỹ tập trung vào các lệnh trừng phạt thứ cấp nhằm vào các tổ chức tài chính đang giúp đỡ Nga.
Ông Alexey Poroshin, tổng giám đốc công ty đầu tư và tư vấn First Group, nói với Izvestia rằng cũng có những tổ chức tài chính ở Hồng Kông tiếp tục thực hiện các giao dịch với các công ty Nga, mặc dù ông thừa nhận rằng ngay cả ở Hồng Kông, các công ty Trung Quốc cũng đang bắt đầu tránh xa các khoản thanh toán này.
Ông Ekaterina Kizevich, tổng giám đốc điều hành của Atvira - một công ty tư vấn thương mại nước ngoài của Nga, nói với Izvestia rằng các công ty Nga vẫn đang gửi nhân dân tệ sang Trung Quốc thông qua các chi nhánh ngân hàng Nga tại đại lục, nhưng có mức chênh lệch giá lên tới 5%
Gấp rút thiết lập các cơ chế thanh toán thay thế
Nga cũng đang nhanh chóng thiết lập các hệ thống thanh toán thay thế, bao gồm cả tiền điện tử, để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.
Reuters đưa tin giữa tuần qua rằng Nga và Trung Quốc thậm chí còn đang có kế hoạch khôi phục lại hoạt động trao đổi hàng hóa lâu đời để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Joseph Webster, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Atlantic Council, đã viết trong một báo cáo vào tháng 6 rằng những vấn đề của Nga trong việc thanh toán cho các nhà cung cấp Trung Quốc sẽ cắt đứt một trụ cột hỗ trợ quan trọng cho cuộc chiến chống lại Ukraine.
"Trong khi xuất khẩu của Nga giúp tài trợ cho nỗ lực chiến sự thì nhập khẩu hàng hóa công nghiệp lại quan trọng hơn nhiều trong việc duy trì các khía cạnh kinh tế, chính trị và quân sự, ít nhất là trong ngắn hạn", ông Joseph nhấn mạnh thêm.
Nền kinh tế Nga đang đương đầu với các lệnh trừng phạt phần lớn nhờ vào hoạt động thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là nhu cầu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Kim ngạch thương mại giữa hai nước láng giềng đã tăng lên mức cao kỷ lục là 240 tỷ USD vào năm 2023.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại ra nước ngoài của Trung Quốc với Nga đã không ổn định kể từ đầu năm vì các vấn đề thanh toán gây ảnh hưởng.
Các lô hàng đã giảm vào tháng 3 và tháng 4 trước khi tăng trở lại vào tháng 5. Vào tháng 7, xuất khẩu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sang Nga đã giảm 3% theo giá trị USD, theo dữ liệu hải quan, sau khi tăng nhẹ từ 0,92% vào tháng 5 lên 4,76% vào tháng 6 sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các nhà phân tích cho biết những số liệu thương mại chính thức này chỉ là một phần của câu chuyện, vì nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang được chuyển qua các nước bạn bè, đặc biệt là ở Trung Á.
"Nhiều mặt hàng xuất khẩu liên quan đến xe cộ của Trung Quốc được cho là dành cho Trung Á thực tế đang hướng đến Nga", theo Hội đồng Đại Tây Dương.
Các ngân hàng Nga tranh giành đồng Nhân dân tệ
- Sau phiên ‘đỏ lửa’, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm kỷ lục 06/08/2024 04:15
- Chứng khoán toàn cầu bị ‘đánh thức’ khỏi giấc mơ Mỹ hạ cánh mềm 06/08/2024 11:28
- Đầu tư thời AI: Cố vấn tài chính ‘phi con người’ quản lý 20 tỷ USD tài sản 01/08/2024 11:07
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.