Phương Tây vây ráp, Nga - Trung quay lại phương thức giao dịch cổ xưa
(VNF) - Nga và Trung Quốc đang có kế hoạch khôi phục lại hoạt động trao đổi hàng hóa lâu đời để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giao dịch hàng đổi hàng
Hãng tin Reuters mới đây trích dẫn các nguồn tin thương mại và thanh toán ẩn danh cho hay Nga đang xây dựng các quy định về giao dịch hàng đổi hàng và Trung Quốc cũng đang có động thái tương tự.
Sự chậm trễ trong thanh toán song phương là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua. Hiện mặc dù hai bên đã có giải pháp thay thế nhưng vấn đề thanh toán vẫn còn vướng nhiều trở ngại.
Chính quyền Nga đang gấp rút thiết lập các hệ thống thanh toán thay thế, bao gồm cả tiền điện tử, để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương.
Theo các chuyên gia, giao dịch hàng đổi hàng sẽ cho phép Moscow và Bắc Kinh tránh được các vấn đề thanh toán, giảm khả năng giám sát của các cơ quan quản lý phương Tây đối với các giao dịch song phương của họ và hạn chế rủi ro tiền tệ.
Các thỏa thuận có thể liên quan đến nông nghiệp và có thể diễn ra sớm nhất vào mùa thu năm nay. Một nguồn tin tại một công ty công nghiệp của Nga tiết lộ rằng các công ty Nga cũng đang thảo luận về việc trao đổi kim loại để lấy máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các thỏa thuận như vậy đang được thảo luận khi hoạt động thương mại giữa hai nước ngày càng trở nên khó khăn trong bối cảnh phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì chiến sự Ukraine.
Gần đây, khoảng 80% giao dịch chuyển khoản ngân hàng bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã phục hồi mà không có lời giải thích nào sau khi bị đình trệ trong nhiều tuần trong khi các ngân hàng quyết định xem họ có thể tiếp tục giao dịch hay không, hãng truyền thông Kommersant của Nga đưa tin vào tháng trước.
Vào năm ngoái, Nga và các đối tác thương mại của mình đã lách lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng các ngân hàng nhỏ hơn và các phương thức thanh toán khác hoặc các loại tiền tệ không phải USD để lách lệnh cấm của phương Tây.
Tuy nhiên, chiến lược này đã gặp phải trở ngại kể từ khi Mỹ chấp thuận các lệnh trừng phạt thứ cấp nhắm vào các tổ chức tài chính đang giúp đỡ Nga. Những hạn chế này đã thúc đẩy các ngân hàng toàn cầu từ Trung Quốc đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Áo cắt giảm giao dịch với Nga.
Vì giao dịch đổi hàng không yêu cầu thanh toán bằng tiền nên Nga và Trung Quốc sẽ tránh được những vấn đề như vậy.
Bộ Kinh tế Nga đã công bố một tài liệu vào tháng 2, tư vấn cho các công ty Nga cách thực hiện giao dịch trao đổi hàng hóa và chỉ ra những cạm bẫy cần tránh.
Tài liệu dài 15 trang này bao gồm hướng dẫn từng bước để tính toán chi phí và thuế hải quan, giải thích các yêu cầu kế toán bắt buộc và cung cấp mẫu hợp đồng cho các loại hình giao dịch trao đổi hàng hóa khác nhau.
Một nguồn tin chính phủ Nga cho biết giao dịch đổi hàng là một giải pháp thoát khỏi những vấn đề thanh toán lớn đối với cả hàng hóa dân sự và hàng hóa bị trừng phạt.
Lịch sử trao đổi hàng hoá
Các nguồn tin cho biết các thỏa thuận trao đổi hàng hóa giữa Moscow và Bắc Kinh diễn ra phổ biến trước khi Liên Xô sụp đổ và tiếp tục cho đến những năm 1990, nhưng các thỏa thuận đang được thảo luận hiện nay sẽ là thỏa thuận đầu tiên sau khoảng 30 năm.
Theo RIA Novosti, một hãng thông tấn nhà nước của Nga, vào tháng 8/2022, chế độ Taliban ở Afghanistan cũng đã thảo luận về giao dịch đổi hàng với Nga, có thể bao gồm việc giao dịch các sản phẩm dầu thô của Nga để đổi lấy nho khô, khoáng sản và thảo dược.
Iran và chính phủ Ấn Độ cũng đã đàm phán với Nga để thực hiện giao dịch đổi hàng trong những tháng đầu của chiến sự Ukraine.
Năm ngoái, Pakistan do thiếu tiền mặt cũng đã cho phép giao dịch hàng đổi hàng với một số mặt hàng cụ thể với Nga.
Mặc dù vậy, thương mại hàng đổi hàng không được thực hiện rộng rãi trong xã hội hiện đại.
"Việc trao đổi hàng hóa lấy hàng hóa khác sẽ phải được hạch toán thủ công, điều này sẽ gây ra khó khăn lớn cho bất kỳ doanh nghiệp lớn hoặc công nghệ tiên tiến nào sử dụng hệ thống kế toán tự động", bà Alexandra Prokopenko, thành viên của Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, đã viết trong bài đăng trên blog vào tháng 9/2022.
Bà nói thêm rằng giao dịch thương mại hàng đổi hàng cũng gây khó khăn cho việc thu thuế.
Trung Quốc từng bước thống trị sản xuất ‘vàng trắng’ ở châu Phi
- Sau phiên ‘đỏ lửa’, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm kỷ lục 06/08/2024 04:15
- Chứng khoán toàn cầu bị ‘đánh thức’ khỏi giấc mơ Mỹ hạ cánh mềm 06/08/2024 11:28
- Nhà đầu tư ngoại rút tiền ồ ạt: Dấu hiệu đáng ngại của kinh tế Trung Quốc 13/08/2024 09:15
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.