Trung Quốc chỉ trích mức thuế mới của EU lên xe điện, cảnh báo đáp trả

Quang Đăng - 22/08/2024 12:54 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc đã chỉ trích kế hoạch của Ủy ban châu Âu về việc áp dụng mức thuế quan tăng cao với xe điện được vận chuyển từ nước này, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ các công ty Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc ngày 21/8 đã lên tiếng chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) về mức thuế quan đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi khối này hạ thuế đối với một số nhà sản xuất ô tô điện lớn, bao gồm cả Tesla.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh vẫn tin rằng cuộc điều tra của EU về việc Trung Quốc trợ cấp cho ngành công nghiệp xe điện đã đưa ra “kết luận được định sẵn”, đồng thời nói thêm rằng khối này đang thúc đẩy cạnh tranh không lành mạnh.

Xe điện giá rẻ do Trung Quốc sản xuất đã tràn ngập thị trường EU trong những năm gần đây, tăng từ 3,9% thị phần vào năm 2002 lên 25% vào cuối năm 2023

“Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”, người phát ngôn nêu rõ.

Một số bộ và nhóm ngành của Trung Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích động thái của EU.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết việc EU áp thuế lên xe điện nước này là “phớt lờ sự thật, không tôn trọng các quy tắc của WTO, đi ngược lại xu hướng của lịch sử, phá vỡ quá trình chuyển đổi xanh của EU và nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, và sẽ gây hại cho chính EU cũng như các nước khác”.

Ngày 20/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã sửa đổi đề xuất thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. EC cho biết, cơ quan này vẫn tin rằng hoạt động sản xuất xe điện của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp quá mức, vì thế EC đề xuất mức thuế cuối cùng lên tới 36,3%.

Con số này thấp hơn một chút so với mức thuế tạm thời tối đa là 37,6% được đề xuất vào tháng 7 đối với các công ty không hợp tác với cuộc điều tra chống trợ cấp của EU.

Theo đó, mức thuế suất cao nhất là 36,3% sẽ được áp dụng đối với các công ty bao gồm SAIC (do nhà nước sở hữu). Xe điện do BYD sản xuất sẽ phải chịu mức thuế suất là 17% thay vì 17,4%. Đối với xe điện do Geely sản xuất, mức thuế suất đã giảm từ 20% xuống 19,3%.

17 công ty khác được cho là đã hợp tác với cuộc điều tra của EU sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn một chút là 21,3%, tăng từ 20,8%, sau khi ủy ban phát hiện ra lỗi trong các tính toán ban đầu của mình.

Mức thuế quan này, được EU công bố lần đầu tiên vào tháng 6, được đưa ra nhằm đáp lại mối lo ngại của khối này rằng các khoản trợ cấp hào phóng cho ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đang làm méo mó sự cạnh tranh ở châu Âu.

Theo Ủy ban, xe điện giá rẻ do Trung Quốc sản xuất đã tràn ngập thị trường EU trong những năm gần đây, tăng từ 3,9% thị phần vào năm 2002 lên 25% vào cuối năm 2023. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng gây thêm tổn hại kinh tế cho một ngành công nghiệp EU vốn đã tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu.

Đáp lại động thái này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cả chính phủ và ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đều cung cấp “hàng chục nghìn trang tài liệu pháp lý và tài liệu chứng cứ thông qua nhiều phương tiện khác nhau”.

Bộ này cho biết mức thuế quan mới của EU “sẽ phá vỡ sự ổn định của chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ô tô toàn cầu bao gồm cả EU”.

Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc phán quyết cuối cùng của EU “không hoàn toàn tiếp thu ý kiến ​​của Trung Quốc” và “dựa trên ‘sự thật’ do EU đơn phương xác định, thay vì sự thật được cả hai bên công nhận”.

Họ cũng bày tỏ hy vọng có thể giải quyết mọi tranh chấp thương mại với EU và thực hiện các hành động thiết thực để tránh leo thang căng thẳng thương mại.

Các cuộc thảo luận giữa Brussels và Bắc Kinh đã trở nên gay gắt hơn trong những tháng gần đây, khi viễn cảnh trả đũa của Trung Quốc và một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện đang hiện hữu. Kể từ cuối tháng 6, hai bên đã tổ chức hơn 10 vòng tham vấn kỹ thuật.

"Động thái bảo hộ của EU sẽ gây tổn hại đến hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU, phá vỡ quá trình tham vấn và đàm phán hiện tại giữa hai bên và tạo ra tiền lệ xấu cho việc giải quyết các vấn đề tương tự", ông Cui Hongjian, giáo sư tại Học viện Quản trị Khu vực và Toàn cầu thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, phát biểu với tờ Global Times.

Theo CNBC, Global Times
Trung Quốc siết xuất khẩu kim loại hiếm và những ‘tác động tiềm ẩn’

Trung Quốc siết xuất khẩu kim loại hiếm và những ‘tác động tiềm ẩn’

Tài chính quốc tế
(VNF) - Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu kim loại hiếm mới nhất của Trung Quốc dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tận dụng vị thế thống lĩnh chuỗi cung ứng toàn cầu của mình theo những cách chưa từng có.
Cùng chuyên mục
Tin khác