Ngân hàng

Mỗi ngày có hơn 40 tỷ USD giao dịch thanh toán điện tử

(VNF) - Trong những năm qua, thị trường Việt đã chứng kiến sự bùng nổ của thanh toán điện tử với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, sự phát triển của các phương thức thanh toán điện tử cũng kéo theo một số khó khăn và thách thức đối với cả người tiêu dùng lẫn các tổ chức tài chính.

Mỗi ngày có hơn 40 tỷ USD giao dịch thanh toán điện tử

Thanh toán điện tử ngày càng phổ biến ở Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng đứng đầu Châu Á - Thái Bình Dương 

Phát biểu tại toạ đàm “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 21/8, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, số lượng giao dịch thanh toán điện tử tăng cao chỉ trong thời ngắn. “Nếu như trước năm 2016, 500 – 1 triệu giao dịch/ngày là con số mơ ước của các tổ chức tài chính thì nay, số lượng giao dịch trung bình mỗi ngày đã lên tới 8 triệu, tương đương với số tiền lên tới 40 tỷ USD”, ông Hùng chia sẻ.

Thanh toán điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống đời thường của người dân Việt. Từ những tiểu thương ngoài chợ, quán cóc ven đường đến các trung tâm thương mại, đâu đâu cũng được trang bị đầy đủ hình thức thanh toán điện tử, giúp người mua không cần dùng đến tiền mặt.

Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản trung bình tăng hơn 52% so với năm 2022. Các hình thức thanh toán qua POS, quét mã QR, mobile banking hay internet banking cũng được đông đảo người dùng đón nhận và sử dụng, với mức tăng ấn tượng trong cả số lượng lẫn giá trị.

Ngày càng có nhiều ứng dụng, phương thức thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, nhận định “Việt Nam đang dẫn đầu trong việc nắm bắt kỹ thuật số và chuyển đổi số”. Theo một nghiên cứu vào năm 2022 của Mastercard, 94% người tiêu dùng Việt sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số. Con số này cao hơn tỷ lệ 88% của khu vực châu Á Thái Bình Dương và các nước phát triển.

Sự phát triển thần tốc của các hình thức thanh toán điện tử tại thị trường Việt trong những năm qua phần lớn là nhờ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các quy định hạn chế đi lại và tiếp xúc trong thời kỳ đại dịch đã giúp nhiều người hình thành thói quen mua sắm và thanh toán online, giúp thanh toán điện tử có “đất dụng võ”.

Nếu như đại dịch Covid-19 mở ra cơ hội phát triển cho thanh toán điện tử thì sự tiện lợi của chúng lại là một trong những yếu tố giữ chân người tiêu dùng. Khi internet phủ sóng ở khắp mọi nơi, người dùng đơn giản chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể thực hiện thanh toán một cách nhanh chóng. Những giao dịch như thanh toán tiền điện nước, nạp thẻ điện thoại,...giờ đây có thể thực hiện ngay tại chỗ, thay vì phải đến các quầy giao dịch như trước kia.

Song song với đó, việc ngày càng có nhiều phương thức thanh toán điện tử MoMo, quét mã QR, Viettel Pay, Zalo Pay hay mới đây nhất là Apple Pay đã giúp đa dạng hóa lựa chọn của người tiêu dùng.

Để thu hút người dùng, các ứng dụng thanh toán điện tử cũng thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi cho người mới sử dụng, tặng mã khuyến mại… Điều này khiến nhiều người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng các phương thức thanh toán điện tử thay vì tiền mặt để có thể hưởng ưu đãi từ nhà cung ứng.

Các ví điện tử thường xuyên tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Quy định pháp luật chưa theo kịp phát triển

Tuy nhiên, sự phát triển của thanh toán điện tử cũng đặt ra những thách thức và khó khăn đối với cả các tổ chức tài chính lẫn người dùng. Số lượng các vụ lừa đảo liên quan đến thanh toán diện tử ngày càng nhiều với các phương thức tinh vi và liên tục đổi mới. Sự bất cẩn cũng như những hạn chế và thiếu hiểu biết của một bộ phận người dùng đã vô tình “tiếp tay” cho những kẻ xấu.

Theo bà Winnie Wong, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dùng là nhiệm vụ hàng đầu của các tổ chức tài chính. “Nếu công nghệ có hiện đại đến đâu thì người dùng vẫn là yếu tố cốt lõi”, bà nhận định. Khi nhận thức của người dùng được nâng cao, kẻ gian sẽ khó có thể lợi dụng những kẻ hở từ việc thiếu hiểu biết để thực hiện các hành vi lừa đảo".

Ngoài ra, những thiếu sót và bất cập về hành lang pháp lý đã gây ra không ít khó khăn cho các tổ chức tài chính. "Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng công nghệ hiện đại nhưng vẫn chưa thể áp dụng rộng rãi do thiếu văn bản quy phạm pháp luật", ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, thanh toán điện tử sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Tuy nhiên, để cả người dùng lẫn các tổ chức tài chính cùng được hưởng lợi từ thanh toán điện tử, Ngân hàng nhà nước và các bên liên quan cần phải giải quyết triệt để những tồn đọng hiện nay.

Tin mới lên