Moody's: Số doanh nghiệp vỡ nợ trong quý I cao nhất kể từ năm 2020

Thuỷ Bình - 19/04/2023 10:48 (GMT+7)

(VNF) - Số công ty trên khắp thế giới vỡ nợ trong 3 tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2020, thời điểm các doanh nghiệp vẫn đang bị cản trở bởi các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, theo một báo cáo công bố ngày 18/4 của cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's.

VNF
Trong tháng 3 có tới 15 công ty được Moody's xếp hạng đã phá sản.

Cụ thể, trong báo cáo Moody's cho biết 33 trong số các tập đoàn được xếp hạng đã vỡ nợ trong quý I/2023, mức cao nhất được ghi nhận kể từ quý IV/2022 (47 công ty vỡ nợ).

Chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua, 15 công ty đã vỡ nợ. Đây là tỷ lệ vỡ nợ trong tháng cao nhất kể từ tháng 12/2020. Các công ty phá sản gây chấn động nhất bao gồm ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), công ty cổ phần SVB Financial Group và Signature Bank.

Theo đó, sự thất bại của hai ngân hàng cho vay trong tháng 3 đã gây ra sự hoang mang cho các nhà đầu tư và khách hàng tại các ngân hàng Mỹ và đánh mất niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng toàn cầu.

“Mặc dù các vụ vỡ nợ trong lĩnh vực tài chính khá đáng chú ý, nhưng hầu hết các vụ vỡ nợ lại xảy ra trong các lĩnh vực phi tài chính vào tháng trước”, Moody's nhận xét, đồng thời lưu ý rằng công ty truyền thông thể thao Mỹ Diamond Sports Group đã công bố mức vỡ nợ lớn nhất tính theo số tiền.

Theo Moody's, số công ty vỡ nợ tăng cao phản ánh sự căng thẳng về tài chính của nhiều công ty, bị ảnh hưởng nặng nề trong năm qua do lãi suất tăng, giá năng lượng cao và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu mờ mịt.

Tại Vương quốc Anh, số lượng công ty rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán vào tháng trước đã vượt xa mức được ghi nhận trong thời kỳ đại dịch, khi sự hỗ trợ của chính phủ giúp duy trì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Số lượng các công ty mất khả năng thanh toán đã tăng 16% trong tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Dịch vụ mất khả năng thanh toán của Vương quốc Anh.

Moody's kỳ vọng rằng sự kết hợp giữa chi phí đi vay cao hơn và tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ đẩy tỷ lệ vỡ nợ cấp độ đầu cơ của doanh nghiệp lên ​​4,6% vào cuối năm nay, tăng từ mức 2,9% trong tháng 3. Nợ cấp độ đầu cơ ở đây đề cập đến một loại trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao, lãi suất cao, được phát hành bởi một công ty đang trong tình trạng chuẩn bị vỡ nợ.

Moody's cho biết vào cuối quý I năm sau, tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu đối với loại nợ này có thể sẽ tăng lên 4,9%. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 4,1%.

Tương tự, S&P Global vào tháng trước cho biết họ dự kiến ​​4% nợ doanh nghiệp ở cấp độ đầu cơ của Mỹ sẽ dẫn tới vỡ nợ vào cuối năm 2023, tăng từ 1,7% vào cuối năm 2022, “do tăng trưởng chậm lại, doanh thu tụt hậu, áp lực chi phí vẫn tồn tại và điều kiện tài chính eo hẹp hạn chế khả năng tiếp cận vốn”.

Một trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là bất động sản thương mại. Sự sụt giảm mạnh về giá trị của các tòa nhà văn phòng ở Mỹ vào năm ngoái, do các văn phòng bị bỏ trống hoặc không được sử dụng hết do công việc từ xa kéo dài, có thể khiến các nhà phát triển vỡ nợ, dẫn đến thua lỗ cho các ngân hàng.

Xem thêm >> Từng cạnh tranh với SpaceX, hãng phóng vệ tinh của tỷ phú Richard Branson nộp đơn phá sản

Theo CNN
Cùng chuyên mục
Tin khác