Một năm buồn của DN cao su: Hầu hết tăng trưởng âm ở mức 2 con số
Hải Đường -
07/02/2024 01:15 (GMT+7)
(VNF) - Phần lớn DN cao su đều có lợi nhuận sau thuế năm 2023 sụt giảm so với 2022. Giá cao su được kỳ vọng phục hồi trong năm 2024, qua đó giúp xuất khẩu cao su của Việt Nam tìm lại được tăng trưởng, cải thiện kết quả kinh doanh của DN cao su sau một năm gặp khó.
Một năm vượt khó của ngành cao su
Ngành cao su vừa trải qua một năm đầy khó khăn khi giá bán liên tục giảm, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng âm sau nhiều năm liên tiếp đạt tăng trưởng dương. Trước khó khăn chung của toàn ngành, phần lớn doanh nghiệp cao su trong năm 2023 đều báo cáo lợi nhuận sụt giảm ở mức 2 chữ số so với cùng kỳ.
“Anh cả” trong ngành, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) ghi nhận lãi sau thuế năm 2023 gần 3.370 tỷ đồng, giảm 30% so với mức thực hiện năm 2022 do các mảng kinh doanh chính từ cao su gặp khó. Dù được trợ lực từ hơn 1.186 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính (tăng 32,7% so với cùng kỳ), lợi nhuận của GVR vẫn không tránh khỏi sụt giảm do chi phí tài chính neo cao, các nguồn thu khác để bù đắp cho nguồn thu chính lại gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Các doanh nghiệp top đầu trong ngành cao su như Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (HoSE: PHR), Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR), Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC), Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (HoSE: CSM) đều ghi nhận mức sụt giảm 2 chữ số so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận của PHR giảm 28,6%, đạt 663,7 tỷ đồng. Lợi nhuận của DPR giảm 14,6%, đạt 252 tỷ đồng. Lợi nhuận của DRC giảm 19,4%, đạt 247,7 tỷ đồng. Lợi nhuận của CSM giảm 21,7%, đạt 62 tỷ đồng. Trừ CSM với doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đi ngang, các doanh nghiệp còn lại đều ghi nhận doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ.
Ở quy mô nhỏ hơn, các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRG), Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI), Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC), Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (HoSE: TNC), Công ty Cổ phần Cao su Công nghiệp (UPCoM: IRC),… cũng đều báo lãi sau thuế giảm từ 7-37% so với mức thực hiện năm 2022.
Dự báo trước tình hình khó khăn trong năm 2023, nhiều DN cao su đã thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh đi lùi so với mức thực hiện năm trước. Đơn cử như GVR, kế hoạch kinh doanh năm 2023 đề ra chỉ tiêu doanh thu đạt 27.527 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.264 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,8% và 10,3% so với mức thực hiện năm 2022. Đến thời điểm chốt sổ của năm 2023, GVR bất ngờ điều chỉnh giảm kế hoạch thêm nữa, doanh thu mục tiêu giảm còn 24.243 tỷ đồng, lãi sau thuế mục tiêu giảm còn 3.363 tỷ đồng.
PHR cũng lên kế hoạch thận trọng cho năm 2023 với doanh thu công ty mẹ 1.813 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hơn 487 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 47% so với mức thực hiện năm 2022. DRC cũng đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu 5.060 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, tăng 3% về doanh thu, nhưng giảm 15% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm 2022. TRC đặt mục tiêu hơn 373 tỷ đồng tổng doanh thu và hơn 77 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2023, lần lượt giảm 34% và 13% so với thực hiện năm 2022.
Điểm sáng hiếm hoi của ngành cao su năm 2023 đến từ một số doanh nghiệp đạt được tăng trưởng lợi nhuận dương như Công ty Cổ phần Cao su Hoà Bình (HoSE: HRC), Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (HoSE: SRC), Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (HoSE: BRC) và Công ty cổ phần Cao su Sông Bé (UPCoM: SBR). Trong đó, trừ SRC có động lực tăng trưởng nhờ hoạt động cốt lõi, các doanh nghiệp còn lại đều đạt tăng trưởng lợi nhuận dương nhờ hoạt động tài chính trợ lực, cũng như việc tiết giảm mạnh chi phí.
Chờ tín hiệu phục hồi
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), sau khi tạo đáy vào quý III/2023, giá cao su hồi phục giúp giá tháng 1/2024 cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ. Agriseco cho rằng giá mủ cao su sẽ trở lại với xu hướng tăng bền vững trong trung hạn dựa trên sự thiếu hụt mủ cao su được kiến tạo bởi 3 yếu tố.
Thứ nhất là nhu cầu tiêu thụ lốp xe tăng trưởng đều đặn, dự báo mức tăng kép giai đoạn 2024-2029 là 4,11%/năm. Thứ hai là nguồn cung mủ cao su bị hạn chế trong 5-7 năm tới do diện tích rừng cao su đã đạt đỉnh sau cam kết kiểm soát diện tích của Hiệp hội Cao su Việt Nam giai đoạn 2014-2015. Thứ ba là yếu tố thời tiết ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng cao su tại khu vực ASEAN.
Công ty Chứng khoán VNDirect cũng tiết lộ một trong những động lực tăng giá cao su trong năm 2024 đến từ việc Trung Quốc đẩy mạnh tiêu thụ ô tô, cũng như thúc đẩy các hoạt động sản xuất. Theo đó, động thái này sẽ dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe và các sản phẩm khác tăng lên.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam. Việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su sẽ là động lực tăng giá cao su toàn cầu, qua đó giúp xuất khẩu cao su của Việt Nam tìm lại được tăng trưởng.
Bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi, một số doanh nghiệp cao su được cho là sẽ hưởng lợi từ mảng bất động sản khu công nghiệp như GVR, PHR và DPR.
Theo đó, GVR xác định phát triển khu công nghiệp sẽ là một trong những hoạt động trọng tâm của doanh nghiệp. Đến năm 2025, GVR sẽ chuyển đổi 7.000 – 8.000ha đất cao su thành khu công nghiệp và cụm công nghiệp, đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 40.000ha.
Đối với PHR, 2 khu công nghiệp mà doanh nghiệp này tham gia góp vốn là Nam Tân Uyên 3 và VSIP 3 đều có vị trí thuận lợi, kỳ vọng nhanh chóng lấp đầy do nguồn cung đất công nghiệp tại Bình Dương không còn nhiều.
Ban lãnh đạo PHR cho biết 2 khu công nghiệp trên có thể đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp ngay trong năm 2024. Trong dài hạn, PHR còn trống đất tại khu công nghiệp Tân Bình; các dự án khu công nghiệp mới như Tân Lập 1 và Tân Bình mở rộng đang xin phê duyệt của Chính Phủ, đồng thời doanh nghiệp cũng lên kế hoạch thành lập mới 3 khu công nghiệp khác.
Với DPR, doanh nghiệp đang sở hữu 2 dự án mở rộng khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú, được kỳ vọng đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu cho DPR trong dài hạn khi được đưa vào triển khai. Trong đó khu công nghiệp Bắc Đồng Phú mở rộng 317ha kỳ vọng sẽ triển khai trong năm 2024.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.