Mua – bán khó khăn: Vàng đang ở đâu?

Khánh Tú - 26/10/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Thời gian qua, người dân liên tục phản ánh khó khăn trong việc mua, bán vàng nhẫn lẫn vàng miếng SJC. Vàng đang ở đâu và làm gì để giao dịch vàng trở lại bình thường là những câu hỏi đang được đặt ra.

Mua không có, bán không dễ

“Chưa bao giờ thấy thị trường vàng vừa ‘sôi động’ lại vừa ‘bất động’ như bây giờ. Nói sôi động là bởi các cửa tiệm vàng ngày nào cũng tập nập người ra vào nhưng lại ‘bất động’ ở chỗ: người mua không mua được vàng mà bán cũng chẳng xong”, một chủ tiệm vàng tại Hà Nội cảm thán.

Không chỉ gần đây mà vài tháng nay, người dân đã phản ánh tình trạng khó mua vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn tại các nhà vàng. Việc nhà vàng chỉ mở bán 30 phút, 1 tiếng vì hết hàng hay phải cọc tiền trước cả tháng trời mới mua được vài lượng vàng đã dần trở thành chuyện quen của nhiều người.

Thậm chí, một số cửa hàng kinh doanh vàng bất ngờ đóng cửa, hoặc tạm thời đóng cửa cũng khiến thị trường thêm xôn xao. Như hai chi nhánh của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) tại Đà Nẵng và chi nhánh của SJC tại Hải Phòng tạm thời “cửa đóng then cài” mà không có lý do cụ thể. Hàng loạt cửa hàng vàng khác cũng đóng cửa khi hoạt động thanh kiểm tra mạnh tay của cơ quan quản lý thị trường diễn ra mạnh từ đầu năm đến nay. Điều này càng gây thêm gây khó khăn cho hoạt động mua bán vàng của người dân.

Người dân đứng xếp hàng đợi mua vàng.

Ở kênh các ngân hàng thương mại, tình trạng cũng không khá hơn là bao. Không ít người phản ánh liên tục trượt suất đặt mua vàng online vì phía ngân hàng liên tục báo “hết slot”. Vượt được ải đăng ký, người mua còn phải đáp ứng được hằng hà sa số các yêu cầu khác như phải có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đã đăng ký mua vàng SJC, khai báo đầy đủ thông tin, thanh toán xong không được nhận vàng luôn,…

Nhiều người dân đã phản ánh qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ khi gần như không thể mua vàng miếng. “Liên tục đăng ký không thành công dù canh rất đúng giờ và không mua được bất kỳ lượng vàng miếng SJC nào kể từ khi NHNN triển khai bán vàng giá bình ổn”, một người dân phản ánh.

Mua vàng khó đã đành, bán vàng lại cũng trở thành thử thách. Không nói đến những tiệm vàng không có giấy phép mua bán, ngay cả các nhà vàng lớn gần đây cũng từ chối mua vàng nhẫn, vàng miếng SJC do công ty khác bán ra. Trước đó, vào đầu tháng 8, việc công ty SJC tạm ngừng thu mua vàng miếng SJC một chữ, vàng bị móp méo cũng gây xôn xao dư luận.

Vàng đang ở đâu?

Trái với tình trạng thanh khoản yếu trên thị trường vàng “chính thống”, các “chợ vàng” lại hoạt động vô cùng nhộn nhịp. Hàng loạt các hội nhóm trao đổi, mua bán vàng với số lượng thành viên lên tới hàng chục nghìn người như “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian”, “Cộng đồng trao đổi - mua bán vàng 9999”, “Trao đổi giao lưu vàng 9999, BTMC, DOJI, PNJ HN”,… mọc lên như “nấm sau mưa”.

Chỉ cần một bài đăng trên một hội nhóm trao đổi, mua bán vàng miếng, khách mua vàng được cả chục cò vàng tiếp cận, đưa ra đủ loại mức giá và ưu đãi khác nhau, từ giao vàng mới nhận tiền phí, thu mua vàng tận nhà hay có vàng với hóa đơn đầy đủ trong tay chỉ sau 15 phút,… Còn nếu muốn bán, cũng chỉ cần một bài đăng, cò vàng, tay buôn cũng sẽ nhanh chóng liên hệ, “có bao nhiêu, mua bấy nhiêu”. Vàng có hóa đơn sẽ “được giá” hơn, còn vàng không có hóa đơn cũng vẫn được thu mua nhưng giá “mềm” hơn.

Nhiều thuật ngữ mới cũng xuất hiện, đơn cử như vàng giá 50/50. Theo giải thích của các “cò vàng”, người mua và người bán sẽ tiến hành giao dịch với mức giá nằm giữa giá mua vào và giá bán ra niêm yết tại các cửa hàng để chia đều lợi ích cho cả hai bên.

Ví dụ, nếu giá vàng được niêm yết ở mức 83 – 85 triệu đồng/lượng chiều mua vào – bán ra thì hai bên sẽ thực hiện mua bán với mức giá ở giữa là 84 triệu đồng/lượng. Khi đó, người bán nhận được giá tốt hơn so với việc bán cho cửa hàng, còn người mua nhận được mức giá thấp hơn so với khi mua tại cửa hàng.

Nhiều “ưu đãi” và quan trọng hơn là sẵn hàng, vàng chợ đen trở thành lựa chọn của nhiều người trong lúc hàng loạt hệ thống kinh doanh vàng lớn chỉ bán ra với số lượng nhỏ giọt. Nhu cầu mua bán, tích trữ vàng của người dân vẫn lớn. Song, nếu tình trạng hiện tại kéo dài, tức cung và cầu không gặp nhau, thị trường vàng sẽ không còn là một thị trường đúng nghĩa. Thị trường vàng chợ đen phát triển cũng sẽ mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế.

Bao giờ hết khó?

Trong văn bản trả lời phản ánh tình trạng khó mua, bán vàng miếng SJC mới đây, NHNN nêu rõ: “Từ 3/6/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC) để bán trực tiếp vàng miếng tới người dân. NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức thực hiện nghiêm túc phương án bán vàng miếng SJC; tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện bán vàng miếng tại các điểm bán vàng miếng SJC; đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, không để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền trong hoạt động bán vàng; đảm bảo việc tổ chức thực hiện bán vàng miếng SJC được hiệu quả, đúng mục tiêu”.

Đã đến lúc NHNN cần "cởi trói" cho thị trường vàng?

Phải thừa nhận rằng, những biện pháp kể trên của NHNN đã phát huy được hiệu quả. Không còn tăng nóng, giá vàng trong nước dần thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Người dân cũng hưởng lợi khi được mua vàng với giá trị thực khi giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới. Ngay cả chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và giá vàng miếng cũng được thu hẹp xuống còn vài triệu đồng/lượng, có thời điểm còn ngang bằng nhau – điều chưa từng xảy ra trước đó.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là: khi những chính sách đã đạt được mục tiêu đề ra, liệu đã đến lúc NHNN nên “cởi trói” cho thị trường vàng bằng những công cụ và chính sách mới chưa?. Chính Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng từng thừa nhận rằng, giải pháp bán vàng miếng SJC qua hệ thống 4 ngân hàng và công ty SJC chỉ là giải pháp tình thế.

Trong những phiên thảo luận xoay quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm là cần xem xét, sửa đổi Nghị định 24/2012.

“Điều cần kíp hiện tại là sửa đổi Nghị định 24 bởi việc giữ nguyên độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC có thể dẫn đến sự chênh lệch giá không hợp lý và không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trên thị trường”, TS Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng kiến nghị, NHNN cần giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng, sớm sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng chỉ quản lý, hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định.

“NHNN không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân”, trích báo cáo của nhóm nghiên cứu.

Để thị trường vàng hoạt động bình thường nhưng vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu quản lý, NHNN cần có các biện pháp loại bỏ chênh lệch giá, tiến tới tự do hóa xuất, nhập khẩu vàng.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, thị trường vàng tương đối ổn định nên việc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp là cần thiết, không nên tiếp tục kéo dài thêm “giải pháp tình thế” đã áp dụng trong suốt 10 năm qua.

Cùng chuyên mục
Nga tăng lãi suất lên mức lịch sử 21%, quyết liệt kiềm chế lạm phát

Nga tăng lãi suất lên mức lịch sử 21%, quyết liệt kiềm chế lạm phát

(VNF) - Ngân hàng Trung ương Nga ngày 25/10 đã tăng lãi suất chủ chốt từ 19% lên mức kỷ lục 21% khi lạm phát tăng cao do chiến sự kéo dài tại Ukraine đe dọa làm suy yếu nền kinh tế.

Trả hoa hồng cao chưa từng có, Temu 'đốt tiền' để xâm lấn thị trường Việt

Trả hoa hồng cao chưa từng có, Temu 'đốt tiền' để xâm lấn thị trường Việt

(VNF) - Những ngày qua, Temu đang tạo "cơn sốt" với chiêu trò giảm giá cực mạnh, chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) chiết khấu tới 30%, một động thái được xem là khơi mào cuộc chiến thị phần ở Việt Nam.

Lợi nhuận của Mercedes giảm một nửa khi Trung Quốc ‘lánh xa’ hàng xa xỉ

Lợi nhuận của Mercedes giảm một nửa khi Trung Quốc ‘lánh xa’ hàng xa xỉ

(VNF) - Nhà sản xuất ô tô cao cấp của Đức Mercedes-Benz ngày 25/10 công bố lợi nhuận của hãng trong quý III đã giảm mạnh hơn 50%, chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự suy yếu ở thị trường trọng điểm Trung Quốc.

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp: 'Kinh doanh trên đất – trả lại cho đất'

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp: 'Kinh doanh trên đất – trả lại cho đất'

(VNF) - Với triết lý “kinh doanh trên đất – trả lại cho đất”, doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec đã viết nên hành trình về phát triển khu công nghiệp sinh thái trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Quảng Trị: Nhà đầu tư đề xuất làm 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng

Quảng Trị: Nhà đầu tư đề xuất làm 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng

(VNF) - Công ty cổ phần Quản lý và truyền thông MICVIET đề xuất Dự án đầu tư Khu nghỉ dưỡng và chăm sóc người cao tuổi, Công ty cổ phần Đầu tư khu du lịch Cồn Cỏ đề xuất dự án Khu du lịch Cồn Cỏ Resort trên đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Cả 2 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 176 tỷ đồng.

Tổng quan Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam qua các con số

Tổng quan Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam qua các con số

(VNF) - Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng và quy mô nhất của Việt Nam, nhằm kết nối hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Dự án này dự kiến tạo nên một bước đột phá lớn cho hệ thống giao thông quốc gia, góp phần giảm tải cho các phương tiện giao thông khác và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Bình Định: Đấu giá 40ha đất tìm nhà đầu tư khu du lịch 2.200 tỷ đồng

Bình Định: Đấu giá 40ha đất tìm nhà đầu tư khu du lịch 2.200 tỷ đồng

(VNF) - Dự án Điểm số 2 (2-2), Khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến có diện tích hơn 40ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.215 tỷ đồng, được đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án 11.500 tỷ đồng đình trệ, khu đất 100ha lấn biển bỏ hoang

Dự án 11.500 tỷ đồng đình trệ, khu đất 100ha lấn biển bỏ hoang

(VNF) - Khu đô thị mới Thuận Phước ở TP. Đà Nẵng có tổng mức đầu tư dự kiến là 11.500 tỷ đồng trên 97ha đất lấn biển bị bỏ hoang nhiều năm.

Thanh Hoá: Quy hoạch khu dân cư 705 tỷ có 196 căn nhà liền kề ở Sầm Sơn

Thanh Hoá: Quy hoạch khu dân cư 705 tỷ có 196 căn nhà liền kề ở Sầm Sơn

(VNF) - Dự án Hạ tầng kỹ thuật và khu nhà ở, thương mại có diện tích khoảng 74.923 m2 với tổng mức đầu tư hơn 705 tỷ đồng được xây dựng tại phường Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.