Mua trước trả sau: Tăng doanh số không lo 'ghi nợ sổ nợ'
(VNF) - Các chuyên gia cho rằng mua trước trả sau (BNPL) không chỉ giúp các nhà bán hàng tăng doanh số, tăng khách hàng mà còn giảm thiểu rủi ro liên quan đến thanh toán từ phía khách hàng.
Mua trước trả sau: Đòn bẩy tăng trưởng
Sau giai đoạn khai mở thị trường, dịch vụ mua trước trả sau (Buy now Pay later - BNPL) đã chứng minh được tầm quan trọng như một đòn bẩy tăng trưởng hiệu quả cho các nhà bán hàng.
TS Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên cấp cao ngành Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam, khẳng định rằng việc tích hợp BNPL vào mô hình kinh doanh mang lại những lợi ích đáng kể. BNPL giúp nhà bán hàng tăng doanh số bằng cách giảm bớt áp lực tài chính lên người tiêu dùng, cho phép họ mua sắm ngay lập tức và thanh toán sau.
Điều này không chỉ khuyến khích khách hàng ra quyết định mua sắm nhanh hơn mà còn mở rộng đáng kể đối tượng khách hàng, đặc biệt là những người chưa đủ điều kiện sử dụng thẻ tín dụng hoặc không thể vay ngân hàng, như thế hệ Gen Z và những người có thu nhập không ổn định.
Ngoài ra, BNPL còn tăng cường lòng trung thành của khách hàng bằng cách tạo ra sự gắn bó giữa người tiêu dùng và thương hiệu, từ đó tăng khả năng khách hàng quay lại mua sắm trong tương lai.
Giới phân tích cũng cho rằng, ngoài việc tăng doanh số và mở rộng đối tượng khách hàng, các dịch vụ BNPL còn giúp nhà bán hàng loại bỏ rủi ro về tài chính. Việc này được thực hiện thông qua hình thức trả một khoản phí cho các nhà cung cấp dịch vụ BNPL, từ đó các nhà cung cấp sẽ chịu mọi rủi ro liên quan đến thanh toán từ phía khách hàng. Điều này đảm bảo rằng doanh thu của các nhà bán hàng vẫn được giữ vững, bất kể rủi ro tài chính nào phát sinh từ phía người mua, tạo nên một môi trường kinh doanh ổn định và ít rủi ro hơn.
Ví dụ điển hình có thể thấy tại Shopee. Khi giới thiệu dịch vụ SPayLater – một dịch vụ BNPL do Shopee phát triển, sàn thương mại điện tử này cho biết các nhà bán hàng không phải chịu bất kỳ chi phí phụ trội nào khi tham gia SPayLater và không phải đối mặt với rủi ro khi người mua không thanh toán đúng hạn. Toàn bộ số tiền từ đơn hàng sẽ được Shopee thanh toán ngay sau khi người mua xác nhận đã nhận hàng.
Ngoài ra, Shopee cũng cho biết rằng khách hàng sử dụng SPayLater thường có giá trị đơn hàng và tổng giá trị mua sắm hàng tháng cao hơn so với khách hàng thông thường, giúp tăng giá trị đơn hàng, giảm tỷ lệ từ chối mua sắm hàng hóa có giá trị cao, đồng thời cải thiện số lượng đơn bán và tỷ lệ chuyển đổi.
Bên cạnh Shopee, một khảo sát của HENO – đơn vị tiên phong trong lĩnh vực BNPL trên các nhà bán hàng là đối tác của họ cho thấy rằng giá trị đơn hàng trung bình tăng khoảng 30% sau khi sử dụng dịch vụ BNPL. Không chỉ dừng lại ở đó, số lượng khách hàng tiềm năng cũng tăng lên khoảng 39%, trong khi ngân sách cho quảng cáo không hề thay đổi. Đặc biệt, tỷ lệ mua lại hoặc tiếp tục mua hàng tăng tới 83% so với tỷ lệ cũ.
Ông Phạm Nam Anh, Giám đốc Vận hành của HENO, cho biết những con số này phản ánh rõ ràng hiệu quả của BNPL, từ việc khách hàng sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm có giá trị cao hơn đến sự hài lòng và hào hứng của họ đối với nhà bán hàng đang áp dụng BNPL.
Cởi mở với Mua trước trả sau: trong kỷ nguyên số
Trong bối cảnh thanh toán số ngày càng phát triển, các chuyên gia cho rằng nhà bán hàng nên cởi mở hơn với BNPL, không chỉ vì những lợi ích nêu trên mà còn vì tiềm năng dài hạn của dịch vụ này.
TS Phạm Nguyễn Anh Huy cho rằng BNPL có thể trở thành phương thức thanh toán bền vững trong tương lai, đặc biệt trong thời đại thương mại điện tử và thói quen mua sắm trực tuyến đang bùng nổ. BNPL đã và đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nhiều người tiêu dùng, nhất là thế hệ trẻ như Gen Z và Millennials, những người thường xuyên sử dụng các dịch vụ số và tìm kiếm sự tiện lợi trong mọi giao dịch tài chính.
“Sự phát triển của BNPL sẽ tiếp tục định hình cách thức người tiêu dùng quản lý và tiếp cận chi tiêu. BNPL không chỉ là một lựa chọn thanh toán, mà có thể trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm mua sắm,” TS Huy chia sẻ.
Theo ông, nếu các nhà bán hàng bỏ qua BNPL, họ có thể đánh mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ đã áp dụng phương thức này, đồng thời không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về sự linh hoạt trong thanh toán của khách hàng. Điều này có thể dẫn đến việc mất khách hàng vào tay đối thủ cạnh tranh và làm giảm trải nghiệm mua sắm, từ đó ảnh hưởng đến sự hài lòng và khả năng quay lại của khách hàng.
Ngoài BNPL, kỷ nguyên thanh toán số còn đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển công nghệ tài chính sáng tạo. Sự đổi mới không ngừng trong lĩnh vực này có thể mang lại các hình thức thanh toán số mới với ưu điểm vượt trội hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn cho cả nhà bán hàng và người tiêu dùng.
Giới phân tích cho rằng, các nhà bán hàng cần không chỉ nắm bắt kịp thời xu hướng BNPL, mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những thay đổi trong hệ sinh thái tài chính số, từ đó ứng dụng vào toàn bộ quy trình vận hành kinh doanh.
Trong kỷ nguyên số, sự thành công của một doanh nghiệp không chỉ đến từ sản phẩm hay dịch vụ mà họ cung cấp, mà còn từ cách tương tác với khách hàng qua các công cụ tài chính hiện đại. Với BNPL, các nhà bán hàng không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận với một lượng khách hàng mới mà còn nâng cao khả năng giữ chân khách hàng hiện tại, tạo ra sự tăng trưởng bền vững và ổn định.
Việc cởi mở với BNPL không chỉ mang lại lợi ích tức thời mà còn là một chiến lược dài hạn để đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong tương lai, khi thanh toán số ngày càng chiếm ưu thế, các chuyên gia cho rằng những nhà bán hàng sớm áp dụng BNPL sẽ có cơ hội dẫn đầu thị trường, thu hút và giữ chân khách hàng bằng cách đáp ứng nhu cầu thanh toán linh hoạt và hiện đại. Chính vì vậy, cởi mở với BNPL không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một bước đi chiến lược để các nhà bán hàng phát triển mạnh mẽ trong thời đại số hóa.
Mua trước – trả sau: Cơ hội cho Fintech làm chủ 'vùng đất mới'
- Mua trước trả sau: Bùng nổ nhưng thiếu quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro 30/08/2024 11:30
- Mua trước trả sau: Người mua do dự, chủ hàng chưa tin 29/08/2024 09:30
- Mua trước trả sau: 'Chiếc áo mới' của cho vay tiêu dùng 28/08/2024 09:30
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.