Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Trong bối cảnh tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế để thúc đẩy các dự án thân thiện với môi trường. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (The PAN Group).
Theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp nông nghiệp có thể thu hút được nguồn vốn xanh từ thị trường quốc tế? Tiêu chuẩn nào thường được các tổ chức quốc tế đặt ra?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực ra, doanh nghiệp nông nghiệp cũng giống như doanh nghiệp thông thường, muốn vay được vốn xanh thì dự án phải có lợi ích về kinh tế, có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, về cơ bản phải đáp ứng được 4 tiêu chuẩn chính theo khung tài chính xanh như sau:
Thứ nhất, dự án phải thuộc danh mục phân loại xanh của tổ chức quốc tế. Theo đó, doanh nghiệp cần làm rõ dự án thuộc lĩnh vực nào và có tác động ra sao tới môi trường.
Thứ hai, doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị việc sử dụng nguồn vốn xanh, làm rõ các cấp độ phê duyệt sử dụng vốn, cơ chế báo cáo tiến độ sử dụng vốn, đánh giá định kỳ về hiệu quả sử dụng vốn…
Thứ ba, doanh nghiệp phải có năng lực đo lường các chỉ tiêu liên quan đến môi trường theo yêu cầu. Ví dụ tại một dự án đầu tư khu nuôi tôm mới của Tập đoàn PAN, bên cấp vốn xanh sẽ quan tâm đến hệ thống đo lường và tính toán khối lượng xử lý chất thải, đảm bảo theo dõi định kỳ được hiệu quả giảm xả thải ra môi trường.
Thứ tư, với hầu hết tổ chức tài chính nước ngoài, sau khi đánh giá rằng dự án thuộc danh mục phân loại xanh, có cơ chế quản lý giải ngân vốn xanh phù hợp, có hệ thống đo lường và tính toán các tác động tới môi trường, họ yêu cầu thêm bên thứ ba vào đánh giá độc lập về các yếu tố trên trước khi giải ngân và định kỳ sau khi giải ngân (hàng quý hoặc hàng năm). Thông thường, chính doanh nghiệp sẽ phải bỏ tiền thuê bên thứ ba đánh giá độc lập.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, PAN tiếp cận các nguồn vốn xanh, nguồn vốn bền vững từ khá sớm. Bản thân PAN không phải là bên chủ động mà các tổ chức quốc tế chủ động giới thiệu tới PAN các cơ hội tiếp cận nguồn vốn này.
Những thách thức mà các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đối mặt khi muốn tiếp cận nguồn vốn xanh là gì, thưa ông?
Thách thức đầu tiên liên quan đến mô hình kinh doanh nông nghiệp nói chung ở Việt Nam.
Để nhận được nguồn vốn xanh, bên vay và bên cho vay phải trải qua nhiều bước đánh giá, trong đó có đánh giá tác động môi trường - xã hội và đánh giá độc lập từ bên thứ ba, kéo theo nhiều thủ tục, dẫn đến chi phí và công sức bỏ ra để vay vốn xanh sẽ nhiều hơn đáng kể so với vay vốn thương mại thông thường. Chính vì vậy, các tổ chức tài chính thường sẽ tìm kiếm những dự án có quy mô vay tương đối lớn, khoảng 20 - 30 triệu USD trở lên, tương đương khoảng 400 - 600 tỷ đồng.
Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, ít doanh nghiệp lớn, không có dự án đủ quy mô để có thể tiếp cận được nguồn vốn xanh. Thậm chí ngay cả khi đáp ứng được tiêu chí quy mô vay, nhiều doanh nghiệp không mặn mà vay vốn xanh bởi phải đối mặt với nhiều yêu cầu từ bên cho vay trong khi lợi ích nhận về (chênh lệch lãi suất) không đáng kể so với vay thương mại thông thường.
Khi PAN tiếp cận với một số tổ chức quốc tế, họ cũng đưa ra những yêu cầu tối thiểu về giá trị khoản vay, quy mô tối thiểu khoảng 30 triệu USD thì mới hiệu quả. Ngay như thương vụ huy động vốn xanh từ ngân hàng Standard Chartered hiện tại, chúng tôi cũng phải tập hợp nhu cầu của 3 dự án lại thì mới đủ quy mô, bởi mỗi dự án hiện nay của PAN quy mô vay tối đa cũng chỉ khoảng 15 - 20 triệu USD. Tôi nghĩ quy mô vốn là trở ngại rất lớn đối với các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam khi muốn tiếp cận nguồn vốn xanh.
Trở ngại thứ hai là yêu cầu của các tổ chức tài chính cấp vốn xanh về hệ thống quản trị phát triển bền vững, bao gồm hệ thống triển khai các hoạt động phát triển bền vững và hệ thống quản lý, đo lường và kiểm đếm các tác động đến môi trường - xã hội. Các thông tin liên quan phải được minh bạch và công bố định kỳ.
Nhìn chung, nhận thức về phát triển bền vững của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chưa cao. Phần lớn vẫn đang chú trọng các hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng, thu lợi nhuận, trả lương cho công nhân chứ chưa ưu tiên xây dựng hệ thống quản trị phát triển bền vững một cách bài bản. Thêm vào đó, để vận hành được hệ thống đó không hề đơn giản.
Ví dụ như trường hợp của PAN, để có thể công bố được Báo cáo phát triển bền vững hàng năm, tập đoàn phải thống kê được trong một năm xả ra môi trường bao nhiêu CO2, có bao nhiêu vụ tai nạn lao động, mức lương bình quân như thế nào, tỷ lệ lao động nam - nữ ra sao, tỷ lệ sử dụng chất đốt hóa thạch như thế nào, chất đốt không hóa thạch như thế nào, khối lượng nước xử lý trước khi thải ra môi trường là bao nhiêu, có kiện tụng liên quan đến môi trường hay không…
Để làm được những điều đó thì phải có bộ máy riêng biệt. PAN có bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững ở tập đoàn và các công ty thành viên. Bộ máy này sẽ giúp thu thập và cung cấp đầy đủ thông tin, chiến lược và thực hành phát triển bền vững trên toàn hệ thống. Chỉ những doanh nghiệp phát triển bền vững mới có thể lọt vào “mắt xanh” và qua được “vòng gửi xe” của các tổ chức tài chính. Để có bộ phận chuyên trách như vậy, chủ doanh nghiệp phải có nhận thức và có cam kết mạnh mẽ về phát triển xanh, phát triển bền vững.
Thực ra ban đầu, nhận thức về phát triển xanh, phát triển bền vững của PAN cũng được xây dựng và thúc đẩy rất nhiều từ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như IFC hay ADB. Sau khi nhận nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức này, họ yêu cầu PAN phải từng bước xây dựng hệ thống thực hiện các hoạt động về phát triển xanh, phát triển bền vững một cách bài bản, qua đó hỗ trợ PAN hiểu rõ về các lợi ích dài hạn của việc tích hợp phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Và từ đó, phát triển bền vững dần trở thành “nếp sống” và được thực hành như một hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, tức là khoảng 10 năm qua, năm nào PAN cũng phát hành Báo cáo phát triển bền vững được xây dựng theo chuẩn GRI.
Bên cạnh rào cản về quy mô, điều kiện, thủ tục vay vốn, còn nhiều trở ngại khác. Ví dụ hoạt động nông nghiệp đối mặt rất nhiều rủi ro do chịu tác động bởi yếu tố mùa vụ, thời tiết, dịch bệnh, nên cũng hạn chế một phần nguồn vốn từ các tổ chức tài chính đổ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cơ hội tự tìm đến PAN, phải chăng là do tập đoàn đã có chiến lược thu hút vốn xanh từ trước?
Thực ra, nguồn vốn xanh không mang lại quá nhiều giá trị về mặt chi phí, thậm chí vay thương mại bình thường có thể còn rẻ hơn, vì muốn vay vốn xanh thì phải đi kèm rất nhiều điều kiện, bao gồm cả điều kiện bên thứ ba xác nhận độc lập, và điều này phát sinh rất nhiều chi phí và nguồn lực. PAN không đặt mục tiêu chỉ thu hút vốn xanh mà coi nguồn vốn xanh là một trong nhiều lựa chọn khác nhau trên thị trường tài chính.
Mặt khác, phát triển bền vững từ những ngày đầu đã là một trong những ưu tiên quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của tập đoàn. Nói cách khác, có hay không có vốn xanh, chúng tôi vẫn kiên định với lộ trình phát triển bền vững của mình chứ không phải thực hiện các hoạt động này để thu hút nguồn vốn theo tiêu chuẩn ESG.
PAN là một trong số các doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển độc lập đầu tiên trên thị trường và trong gần 10 năm qua chúng tôi luôn duy trì thông lệ này cũng như ngày càng nâng dần tiêu chuẩn báo cáo của mình. Không chỉ hệ thống báo cáo, toàn bộ thông tin được công bố qua nền tảng của doanh nghiệp đều được thực hiện song ngữ và luôn cập nhật với mọi chuyển động của doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế dễ dàng tiếp cận thông tin về tập đoàn. Có thời điểm, gần như tuần nào cũng có tổ chức tài chính liên hệ đặt vấn đề với PAN về việc hợp tác phát triển xanh, phát triển bền vững.
Được biết, thương vụ gần đây nhất của PAN là với ngân hàng Standard Chartered. Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về thương vụ này cũng như các thương vụ huy động vốn xanh khác của PAN?
Sau khi Standard Chartered chủ động tìm đến PAN để ngỏ lời tài trợ cũng như giới thiệu các nguồn vốn liên quan đến phát triển bền vững, họ thấy được một vài dự án đầu tư của PAN và đánh giá là phù hợp với các tiêu chí mà họ đang tìm kiếm.
Có thể kể đến như dự án đầu tư mở rộng hệ thống nuôi và chế biến thủy sản bao gồm việc mở rộng vùng nuôi theo các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) đi kèm với hệ thống xử lý nước thải theo chuẩn mực. Song song với đó là đầu tư dây chuyền xử lý và sản xuất các chế phẩm, sản phẩm từ phụ phẩm của quá trình sản xuất.
Một dự án khác là mở rộng vùng trồng và sản xuất hạt điều xuất khẩu. Dự án đầu tư có các cấu phần liên quan tới đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo và các cam kết hỗ trợ vùng trồng nguyên liệu, tăng thu nhập ổn định đời sống cho nông dân là người dân tộc thiểu số.
Dự án thứ ba là đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”, nhằm hiện thực hóa đề án cấp quốc gia “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến 2030” (gọi tắt là đề án 1 triệu ha). Theo đó, tập đoàn PAN (với các đại diện từ mảng nông nghiệp) cùng với UBND Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thôn phối hợp triển khai đề án thông qua việc cung cấp các giải pháp bền vững nhằm hướng tới 3 mục tiêu: (1) Hình thành và phát triển chuỗi lúa gạo đa giá trị; (2) Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp; và (3) Nâng cao thu nhập cho nông dân.
Như vậy, mục đích của các dự án đều liên quan tới phát triển bền vững, bao gồm cả môi trường, xã hội và một phần là phúc lợi cho người nông dân.
Tổng giá trị cho hợp tác vốn giữa PAN và Standard Chartered rơi vào khoảng 40 – 50 triệu USD. Theo đó PAN cam kết đảm bảo được một số tiêu chí trong phát triển bền vững và sẽ thực hiện đánh giá độc lập hàng năm. Đây là cơ sở để có được cơ chế giảm lãi suất vay hàng năm theo thỏa thuận.
Trước đây, PAN đã từng tham gia nhiều thương vụ huy động vốn có yếu tố xanh, yếu tố bền vững. Ngay từ năm 2018, PAN đã phát hành trái phiếu dưới sự bảo lãnh của Quỹ tín dụng đầu tư (CGIF) thuộc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với quy mô 1.135 tỷ đồng. Khi nhận nguồn vốn trái phiếu này, PAN cũng phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn về môi trường - xã hội trước khi giải ngân và CGIF cũng có những cơ chế để đánh giá việc tuân thủ các quy định về môi trường - xã hội định kỳ hàng năm tại doanh nghiệp.
PAN đã sử dụng nguồn vốn này vào việc đầu tư cho mảng thực phẩm, cụ thể là xây dựng nhà máy máy bánh kẹo tại Bibica. Các nhà máy này hiện đều có hệ thống điện mặt trời mái nhà, tiết kiệm khoảng 4-5 tỷ đồng/năm. Về công nghệ, nếu như công nghệ cũ của nhà máy bánh kẹo là sử dụng chất đốt bằng than đá thì khi có nguồn vốn trên, PAN đã chuyển sang sử dụng các lò đốt bằng điện, qua đó giảm phát thải CO2 ra môi trường.
Cuối cùng, ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp nông nghiệp khác của Việt Nam trong hành trình xanh hóa?
Tôi xin kể một câu chuyện. Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu tiêu thụ tôm tại Nhật Bản giảm sút. Đây là thị trường xuất khẩu tôm chính của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) - thành viên của Tập đoàn PAN. Điều này khiến các đối tác của Fimex VN buộc phải cắt giảm đơn hàng tại Việt Nam. Nhưng họ đã quyết định ưu tiên giữ nguyên đơn hàng cho Fimex VN vì muốn hỗ trợ tối đa cho các đối tác lâu năm và đáng tin cậy. Sau thời kỳ Covid-19, đồng tiền của Nhật Bản bị mất giá mạnh, sức tiêu dùng giảm, khi đó Fimex VN lại chủ động giảm giá để hỗ trợ đối tác Nhật Bản vượt qua thời kỳ khó khăn. Đó là tư duy của các doanh nghiệp phát triển bền vững từ những câu chuyện rất nhỏ.
Phát triển xanh, phát triển bền vững là bệ phóng để chúng tôi vươn ra thế giới. Không chỉ là câu chuyện huy động vốn mà bây giờ tất cả các bên mua hàng cũng nhìn vào báo cáo phát triển bền vững để lựa chọn đối tác. Chẳng hạn như các hệ thống siêu thị lớn trên thế giới như Walmart, Tesco hay Cosco, trước khi ngồi với nhau để đàm phán về việc mua hàng hay không thì họ sẽ lọc thông tin xem doanh nghiệp đang làm gì với môi trường, với xã hội và với các bên liên quan (stakeholder).
Tôi cho rằng nếu các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tư duy và thực hành nghiêm túc về phát triển bền vững và làm thật thì sớm muộn cũng sẽ thu hút được sự quan tâm, để ý và hợp tác của các đối tác trên thế giới không chỉ về nguồn vốn mà cả hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.