'Mỹ không để Trung Quốc hưởng lợi từ đạo luật chip dù chỉ 1 xu’

Minh Đăng - 22/09/2023 17:28 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết bộ này sẽ “tuyệt đối” cảnh giác để không một xu nào trong khoản trợ cấp của đạo luật chip có thể vào tay Trung Quốc.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 22/9 đã ban hành các hạn chế cuối cùng để ngăn chặn việc Trung Quốc và các quốc gia khác được hưởng lợi từ khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho ngành sản xuất chất bán dẫn.

Đây được xem làm rào cản pháp lý cuối cùng trước khi Bộ Thương mại đưa ra khoản viện trợ liên bang trị giá hàng trăm tỷ USD nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất chip trong nước đồng thời ngăn chặn tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

“Chúng ta phải tuyệt đối cảnh giác rằng không một xu nào trong số này có thể giúp Trung Quốc vượt lên trước chúng ta”, bà Raimondo nói trước Quốc hội hôm 19/9 vừa qua.

Nếu người nhận tài trợ vi phạm các hạn chế, Bộ Thương mại có thể thu lại các khoản trợ cấp.

Bà Raimondo đồng thời cho biết bà đang làm việc nhanh nhất có thể để gói tài trợ được phê duyệt.

Quy định này, được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 3, đặt ra "hàng rào bảo vệ" bằng cách hạn chế các thực thể nhận tài trợ của Mỹ đầu tư vào việc mở rộng sản xuất chất bán dẫn ở các quốc gia “đáng quan ngại” như Trung Quốc và Nga. Đồng thời, quy định cũng ngăn công ty Mỹ tham gia vào quá trình nghiên cứu chung hoặc cấp phép hoạt động công nghệ với các tổ chức nước ngoài được cho là nhạy cảm.

Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành phân loại các chất bán dẫn quan trọng với an ninh quốc gia. Theo đó, một số mẫu chip phải chịu quy định kiểm soát chặt chẽ hơn trước đây.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết: "Những rào cản này sẽ đảm bảo cho nước Mỹ luôn đi trước các đối thủ trong nhiều thập kỷ".

Trước đó, vào tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận một số chip bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ nhằm làm chậm những tiến bộ công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.

Tới đầu năm nay, Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia vào nỗ lực này của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc.

Để đáp trả, Bắc Kinh hồi tháng 4 đã tiến hành một cuộc điều tra an ninh mạng đối với nhà sản xuất chip Micron của Mỹ trước khi cấm sử dụng chip của hãng này trong các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Theo CNN, Washington có thể tung ra nhiều lệnh hạn chế chip hơn từ sau khi “ông lớn” viễn thông Huawei cả Trung Quốc giới thiệu điện thoại thông minh Mate 60 Pro vào tháng trước, gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới công nghệ.

Model này được trang bị một con chip tiên tiến, được tạo ra bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận công nghệ mới.

Trong một báo cáo nghiên cứu hôm 20/9, các nhà phân tích của Jefferies nhận định rằng việc phát hành Mate 60 Pro đã tạo ra áp lực chính trị để Mỹ leo thang các lệnh trừng phạt đối với Huawei và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC).

“Chúng tôi cho rằng Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tập trung vào việc thắt chặt lệnh cấm chip đối với Trung Quốc trong quý IV”, các nhà phân tích nói.

Xem thêm >> ‘Con dao hai lưỡi’ của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác