Tài chính quốc tế

‘Con dao hai lưỡi’ của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ

(VNF) - Các nhà phân tích cho rằng việc hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm là “con dao hai lưỡi” có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc và đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này.

‘Con dao hai lưỡi’ của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ

Ảnh minh hoạ.

Phản đòn Mỹ

Theo Liên minh Nguyên liệu Thô Trọng yếu (Critical Raw Materials Alliance - CRMA), Trung Quốc là nhà sản xuất gallium và germanium hàng đầu thế giới, với khoảng 80% sản lượng gali toàn cầu và 60% sản lượng germanium.

Tuy nhiên, dữ liệu Hải quan Trung Quốc công bố hôm 20/9 cho thấy nước này đã ngừng xuất khẩu hai loại khoáng sản quý hiếm này trong tháng 8, một tháng sau khi Bắc Kinh áp đặt hạn chế xuất khẩu các mặt hàng này ra nước ngoài với lý do đản bảo an ninh quốc gia.

Trước khi quyết định này được đưa ra, trong tháng 7, Trung Quốc đã xuất khẩu 5,15 tấn gali và 8,1 tấn gecmani rèn ra thị trường quốc tế.

Trong cuộc họp báo ngày 21/9, ông He Yadong, người phát ngôn của Bộ thương mại Trung Quốc, cho hay bộ này đã nhận được đơn đăng ký từ các công ty để xuất khẩu hai loại nguyên liệu này. Một số đơn đăng ký đã được phê duyệt, tuy nhiên ông Yadong không nêu chi tiết.

Theo CNN, các biện pháp hạn chế này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng trả đũa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ, bất chấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế khi cuộc chiến công nghệ đang sôi sục.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với nhu cầu nội địa yếu và khủng hoảng nhà ở. Tháng trước, xuất khẩu của nước này chịu mức giảm lớn nhất trong hơn 3 năm, giáng đòn mới vào sự phục hồi đang chững lại của Bắc Kinh.

Các nhà phân tích cho rằng hạn chế xuất khẩu là “con dao hai lưỡi” có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc và đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này.

Trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng 7, các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết Trung Quốc có thể là quốc gia dẫn đầu ngành trong sản xuất gali và gecmani. Tuy nhiên, vẫn có những nhà sản xuất cũng như các sản phẩm thay thế sẵn có cho cả hai nguyên liệu này.

Trong khi đó, việc Trung Quốc xiết xuất khẩu đã lập tức ảnh hưởng tới thị trường nội địa. Giá gali đã giảm do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khiến hàng tồn kho tăng cao.

Ngày 21/9, giá gali giao ngay tại Trung Quốc ở mức 1.900 nhân dân tệ (260 USD)/tấn, giảm gần 20% so với đầu tháng 7, theo thông tin từ Thị trường kim loại Thượng Hải.

Trong khi đó, giá giao ngay của germanium đã tăng nhẹ do nguồn cung khan hiếm, đạt 10.050 nhân dân tệ (1.376 USD)/tấn.

Sôi sục cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

Vào tháng 7, Bắc Kinh cho biết gali và gecmani được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm bao gồm chip máy tính và tấm pin mặt trời. Do đó, Bắc Kinh sẽ kiểm soát xuất khẩu hai mặt hàng này để bảo vệ “an ninh và lợi ích quốc gia”.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/8, các nhà xuất khẩu phải được Bộ Thương mại Trung Quốc phê duyệt để có thể đưa 2 kim loại quan trọng này ra nước ngoài, trong đó phải cung cấp thông tin về người dùng cuối và cách sử dụng nguyên liệu.

Giới chức Trung Quốc cảnh báo các bên vi phạm biện pháp hạn chế có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị buộc tội hình sự.

Cả gali và germani đều xuất hiện trong số 50 khoáng chất mà Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đánh giá là “quan trọng”, nghĩa là chúng cần thiết cho nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia của Mỹ và có chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đưa cả hai kim loại này vào danh sách các nguyên liệu thô “rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu”.

Quyết định kiểm soát xuất khẩu gali và germani của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và một số đồng minh đang đẩy mạnh các biện pháp hạn chế sự phát triển công nghệ của nước này, bao gồm cả chất bán dẫn.

Động thái này đã làm leo thang căng thẳng cuộc chiến công nghệ chip giữa Mỹ và Trung Quốc. Chip vốn rất quan trọng đối với mọi thứ, từ điện thoại thông minh, ô tô tự lái đến sản xuất vũ khí.

Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cấm các công ty Trung Quốc mua chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip mà không có giấy phép.

Tới đầu năm nay Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia vào nỗ lực này của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc.

Để đáp trả, Bắc Kinh hồi tháng 4 đã tiến hành một cuộc điều tra an ninh mạng đối với nhà sản xuất chip Micron của Mỹ trước khi cấm sử dụng chip của hãng này trong các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Theo CNN, Washington có thể tung ra nhiều lệnh hạn chế chip hơn từ sau khi “ông lớn” viễn thông Huawei cả Trung Quốc giới thiệu điện thoại thông minh Mate 60 Pro vào tháng trước, gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới công nghệ.

Model này được trang bị một con chip tiên tiến, được tạo ra bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận công nghệ mới.

Trong một báo cáo nghiên cứu hôm 20/9, các nhà phân tích của Jefferies nhận định rằng việc phát hành Mate 60 Pro đã tạo ra áp lực chính trị để Mỹ leo thang các lệnh trừng phạt đối với Huawei và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC).

“Chúng tôi cho rằng Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tập trung vào việc thắt chặt lệnh cấm chip đối với Trung Quốc trong quý IV”, các nhà phân tích nói.

Xem thêm >> Trung Quốc trở thành ‘tay chơi lớn’ trên thị trường ô tô Nga

Tin mới lên