Mỹ muốn trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2, Đức phản ứng gay gắt

Thanh Tú - 11/01/2019 10:59 (GMT+7)

(VNF) - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 10/1 khẳng định rằng "vấn đề chính sách năng lượng của châu Âu là do châu Âu quyết định, chứ không phải Mỹ” khi bình luận về ý định trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Mỹ.

VNF

“Việc đơn phương áp đặt trừng phạt chống Dòng chảy phương Bắc 2 chắc chắn là cách không nên làm", ông Maas tuyên bố.

Phát biểu với các phóng viên hồi giữa tháng 12/2018, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Năng lượng Mỹ Francis Fannon cho biết Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

"Chính quyền Mỹ có khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các đường ống xuất khẩu khí đốt của Nga theo điều 232 của đạo luật đối phó với các đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt…”, ông Fannon tuyên bố.

Theo vị quan chức này, các công ty chuyên đặt đường ống cung cấp năng lượng có liên quan đến nhiều vụ việc thì khả năng cao sẽ bị trừng phạt.

Ông Fannon khẳng định rằng những nỗ lực của châu Âu để vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu là "vô ích" và "không thể tin tưởng vào Nga”.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cáo buộc Đức bị Nga "cầm tù" vì sự phụ thuộc năng lượng, và kêu gọi ngừng dự án này.

Tuy nhiên, Đức vẫn luôn khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga bởi hai bên đều có lợi ích chung trong dự án, giải pháp được cho là sẽ tăng gấp đôi công suất hiện nay của hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

Gần đây, giới chức Đức vẫn giữ quan điểm phản đối mọi ý định rút khỏi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi một số nghị sĩ nước này gợi ý sử dụng dự án để trừng phạt Moscow trong vụ bắt giữ tàu Ukraine cùng các thủy thủ tại Biển Azov.

Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc hiện tại trước khi rẽ nhánh.

Đường ống này sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Tổng giá trị đầu tư xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là 9,5 tỷ euro.

Xem thêm >> Tổng thống Venezuela tuyên thệ chậm chức nhiệm kỳ hai, Mỹ nói bất hợp pháp

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác