Ukraine ‘cầu cứu’ NATO, kêu gọi Đức chấm dứt ‘Dòng chảy phương Bắc 2’

Thanh Tú - 29/11/2018 11:07 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có một loạt tuyên bố nhằm “chĩa mũi nhọn” vào Nga sau vụ hải quân Nga bắt giữ 3 tàu chiến của Ukraine trên Biển Đen mới đây.

VNF
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trả lời nhật báo Bild của Đức ngày 28/11, ông Poroshenko nêu rõ: "Đức là một trong những đồng minh thân cận nhất của Ukraine, chúng tôi hy vọng rằng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẵn sàng điều các tàu hải quân đến Biển Azov để hỗ trợ Ukraine và cung cấp an ninh".

Lời kêu gọi của ông Poroshenko được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Volodymyr Groysman của nước này sắp có chuyến thăm Berlin.

Ông Poroshenko khẳng định Ukraine không thể chấp nhận chính sách gây hấn này của Nga và kêu gọi Đức có phản ứng mạnh mẽ, cương quyết và rõ ràng với cách hành xử như vậy.

“Đầu tiên là Crimea, sau đó là miền Đông Ukraine, và giờ ông ấy muốn cả biển Azov. Đức cũng cần tự hỏi mình: Ông Putin sẽ làm gì tiếp theo nếu chúng ta không ngăn ông ấy?", nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Tổng thống Ukraine ca ngợi Thủ tướng Đức Angela Merkel là một người bạn vĩ đại của Ukraine đồg thờ kêu gọi Đức chấm dứt Dòng chảy phương Bắc 2, dự án xây dựng đường ống khí đốt dưới biển vốn sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt trực tiếp tới Đức mà không qua ngả Ukraine.

Vị trí của Biển AZOV.

"Năm 2015, bà Merkel đã cứu đất nước chúng tôi thông qua các cuộc đàm phán ở Minsk và chúng tôi hy vọng bà cùng các đồng minh khác sẽ một lần nữa ủng hộ chúng tôi mạnh mẽ", ông nhấn mạnh.

Lực lượng an ninh Nga đã nổ súng và bắt giữ 3 tàu Ukraine gần eo biển Kerch ngày 25/11. Đây là xung đột vũ trang nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Nga tuyên bố việc tàu cảnh sát biển nổ súng khống chế chiến hạm của Kiev là hoàn toàn hợp pháp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng đây là một hành động khiêu khích có chủ ý và các nước phương Tây có thể đã biết trước hoặc thậm chí đã tham gia vào kế hoạch này.

Trong khi đó, Ukraine nói rằng tàu của họ hoạt động đúng theo quy định quốc tế. Ukraine áp đặt thiết quân luật tại các vùng giáp biên giới Nga và gần nơi binh sĩ Nga đóng quân.

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 27/11 hối thúc các nước tăng cường trừng phạt Moscow. Anh, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch và Canada cũng đều đồng loạt lên án Nga. NATO mặc dù kêu gọi kiềm chế và giảm căng thẳng nhưng cũng yêu cầu Nga đảm bảo tàu thuyền của Ukraine ra vào biển Azov theo luật quốc tế.

Xem thêm >> Trung Quốc tính toán gì khi đưa thời hạn ba năm đàm phán Biển Đông?

 

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác