Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Obama nói ‘sai lầm’
Lê Anh -
09/05/2018 07:25 (GMT+7)
(VNF) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 chính thức tuyên bố nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế với nước này. Cựu tổng thống Obama cho rằng đây là một quyết định “sai lầm”, “làm xói mòn uy tín” nước Mỹ.
“Hôm nay, tôi tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngay sau đây, tôi sẽ ký bản ghi nhớ để tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào chính quyền Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Chúng tôi sẽ thực hiện trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất”, ông Trump nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8/5.
Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, được Tehran kí kết với nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) dưới thời chính quyền Tổng thống Obama năm 2015. Theo đó, Iran sẽ đóng băng các chương trình hạt nhân để đổi lại được gỡ bỏ các cấm vận kinh tế.
Đây vốn được xem là một trong những thành tựu đối ngoại quan trọng nhất của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, tuy nhiên ông Trump và Israel đã luôn phản đối thỏa thuận này.
Ông Trump ký bản ghi nhớ về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (Ảnh: Reuters)
Theo người lãnh đạo nước Mỹ, thỏa thuận vốn là là một thảm họa, không mang lại hiệu quả thực sự, không mang lại hòa bình cũng như ổn định cho khu vực. Việc Mỹ đồng ý theo đuổi thỏa thuận trên sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại Trung Đông. Chính vì thế, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran:
"Thỏa thuận hạt nhân Iran đáng nhẽ được thiết lập để bảo vệ nước Mỹ và đồng minh khỏi viễn cảnh phải đối đầu với vũ khí hạt nhân Iran - thứ vũ khí đe dọa sự sống còn của chính quyền Tehran. Nhưng trên thực tế, thỏa thuận này tạo điều kiện cho Iran tiếp tục làm giàu uranium và dần đạt được năng lực hạt nhân đáng gờm.
Ngày hôm nay, nước Mỹ đã có bằng chứng không thể chối cãi rằng lời hứa hẹn của Iran chỉ là những lời nói dối.
Tuần trước, Israel đã công bố các tài liệu tình báo khai thác được từ Iran. Đây là bằng chứng cho thấy lịch sử theo đuổi vũ khí hạt nhân của chính quyền Tehran. Nếu tôi tiếp tục kí kết thỏa thuận này, chắc chắn sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông.
Ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8/5. (Ảnh: Vox)
Khi Mỹ gỡ bỏ cấm vận ở mức cao nhất, thỏa thuận tồi tệ nói trên đã cung cấp cho chính quyền Iran hàng tỷ USD. Là một công dân Mỹ, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Một lúc nữa thôi, tôi sẽ kí sắc lệnh tái khởi động loạt cấm vận của Mỹ đối với Iran. Mỹ sẽ áp dụng trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất”
Đồng thời ông Trump cũng ngầm đưa ra lời cảnh báo: Bất kì nước nào giúp đỡ Iran hoàn thiện vũ khí hạt nhân cũng sẽ chịu sự trừng phạt của nước Mỹ. Nước Mỹ sẽ không hứa hẹn suông nữa. Một khi tôi đã nói, tôi sẽ làm.
Các lãnh đạo Iran sẽ nói họ từ chối thương lượng thỏa thuận mới. Cũng được. Tôi có lẽ sẽ nói giống vậy nếu tôi là họ. Nhưng thực ra họ sẽ muốn có một thỏa thuận mới và lâu dài, có lợi cho toàn Iran và nhân dân Iran. Khi họ muốn, tôi sẽ sẵn sàng”.
Đây là lần thứ ba ông Trump rút Mỹ khỏi các thỏa thuận đa phương từng cam kết ở chính quyền tiền nhiệm.
Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đầu năm 2017, ông Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris 2015 và giờ là JCPOA.
Ông Obama lên tiếng chỉ trích
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, Cựu Tổng thống Obama đã gọi hành động này là “sai lầm nghiêm trọng, làm tổn hại đến uy tín toàn cầu của Mỹ”.
Theo ông Obama, “rút khỏi JCPOA nghĩa là quay lưng với các đồng minh gần nhất của Mỹ, quay lưng với thỏa thuận mà các nhà ngoại giao, khoa học, tình báo của chúng ta đã thương thảo. Trong một nền dân chủ, sẽ luôn có thay đổi về chính sách và ưu tiên giữa các chính phủ. Nhưng việc liên tục từ bỏ các thỏa thuận mà nước ta là một thành viên có nguy cơ làm hủy hoại uy tín của nước Mỹ, đặt chúng ta ở thế trái ngược với các đại cường thế giới”.
“Không có JCPOA, Hoa Kỳ có thể rốt cuộc chỉ còn lựa chọn thua cuộc giữa một Iran có vũ khí hạt nhân hay một cuộc chiến nữa ở Trung Đông. Chúng ta biết nguy hiểm khi Iran có vũ khí hạt nhân. Nó có thể làm chính thể nguy hiểm càng cứng rắn hơn, đe dọa bạn bè ta, gây hiểm nguy cho an ninh Mỹ, và kích động chạy đua vũ trang trong khu vực nguy hiểm nhất thế giới. Nếu các hạn chế chương trình hạt nhân Iran theo JCPOA bị mất, chúng ta có thể đẩy nhanh cái ngày khi chúng ta đối diện với lựa chọn phải sống với đe dọa đó hay gây chiến để ngăn nó”, ông Obama thể hiện sự bất bình với quyết định của ông Trump.
Tổng thống tiền nhiệm Obama và ông Trump vốn có nhiều quan điểm bất đồng về một số chính sách quan trọng của Mỹ.
Về phía Iran, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố nước này có thể sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận hạt nhân mà không cần sự hiện diện của Mỹ:
“Tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại giao trong vài tuần tới sẽ thảo luận với EU, Trung Quốc và Nga. Sau khi thảo luận, nếu chúng tôi thấy rằng thỏa thuận hạt nhân mang lại lợi ích đầy đủ cho chúng tôi khi hợp tác với tất cả các nước thì chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì”.
Tuy nhiên, ông Rouhani cũng đe dọa nếu không đảm bảo được các lợi ích, Iran sẽ đưa ra quyết định riêng của mình. Nước này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nối lại các hoạt động hạt nhân ở mức công nghiệp và có thể khởi động ngay trong tuần tới.
Trước đó, trong một tuyên bố trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo, Mỹ sẽ hối hận nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
"Nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ sẽ rất nhanh nhìn thấy hậu quả hối tiếc nhất trong lịch sử", Tổng thống Rouhani nói.
Theo Sputnik, nhà lãnh đạo Iran cũng cho biết, Tehran đã sẵn sàng cho mọi quyết định của Nhà Trắng có liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.