Mỹ sẽ chịu thiệt nếu đánh thuế sau cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ

Quang Thắng - 02/01/2021 08:35 (GMT+7)

Trong phiên điều trần trực tuyến điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ, hầu hết doanh nghiệp Mỹ có chuỗi cung ứng tại Việt Nam đều khẳng định đây là đối tác thương mại đáng tin cậy.

VNF
Giáo sư David Dapice của Chương trình Việt Nam tại trường Harvard Kennedy. Ảnh: Pace.edu.

Ngày 29/12, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ đã tổ chức buổi điều trần trực tuyến điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ theo Điều luật 301. Theo tường thuật từ Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, buổi điều trần có 5 phiên với sự tham gia của 22 chuyên gia và lãnh đạo đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, phòng thương mại Mỹ.

Trong phiên điều trần, đa số chuyên gia đều không ủng hộ việc áp dụng các biện pháp thuế quan theo sau kết luận của Bộ Thương mại Mỹ cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ. Đặc biệt, các doanh nghiệp Mỹ có chuỗi cung ứng tại Việt Nam như Tapestry Inc., General Electric đều khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại đáng tin cậy và luôn sẵn sàng hợp tác.

Đánh thuế trả đũa khiến đôi bên đều thiệt

Theo đề xuất của các chuyên gia, các cơ quan hữu quan của Mỹ và Việt Nam cần trao đổi thông tin và thảo luận trên tinh thần hợp tác có lợi cho doanh nghiệp hai bên. Việc đánh thuế trả đũa sẽ là giải pháp đôi bên đều thiệt.

Giáo sư David Dapice của Chương trình Việt Nam tại trường Harvard Kennedy bày tỏ quan điểm không đồng tình với hành động đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ.

Theo ông, cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ cho thấy rõ xu hướng là thâm hụt từ phía Mỹ và đang gia tăng. Trong khi đó, số liệu tài khoản vãng lai nhìn chung không cân đối trong năm 2019. Đây chính là biến số phù hợp để xem xét tác động của đồng tiền bị định giá cao.

Cán cân tài khoản vãng lai trong các năm 2015 và 2017 giữa 2 quốc gia ở mức âm, năm 2016 thì gần bằng 0, phải đến năm 2018-2019 thì mới dương trở lại, lần lượt bằng 2,4% GDP và 5% GDP.

Theo dự báo, cán cân tài khoản vãng lai năm 2020 cũng sẽ ở mức dương, nhưng chủ yếu do cú sốc cung cầu đi kèm với đại dịch Covid-19.

Theo ông David Dapice, lý do hàng đầu dẫn đến thặng dư thương mại song phương gia tăng giữa Việt Nam và Mỹ chính là việc nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong đó, nhiều nhà máy sản xuất của Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, và Singapore đã chuyển dịch sang Việt Nam.

Năm 2019, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ là 345 tỷ USD, đến năm 2020 giảm 30 tỷ USD (còn 315 tỷ USD). Trong khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2020 dự kiến tăng khoảng 15 tỷ, tương đương 1/2 phần giảm của Trung Quốc.

“Chính sách thuế quan của Mỹ đã làm thay đổi những cân nhắc kinh tế về nơi sản xuất kéo theo dòng vốn FDI chứ không phải do thao túng tiền tệ”, giáo sư David Dapice nhấn mạnh.

Vô lý nếu trừng phạt thương mại Việt Nam

Bên cạnh các yếu tố này, giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu từ Việt Nam đang có xu hướng tăng về số lượng nhưng vẫn ở mức khá thấp, khoảng một chữ số. Việc đánh thuế nặng lên hàng xuất khẩu của Việt Nam thực chất sẽ là đòn kinh tế đánh lên đồng minh của Mỹ ở châu Á khi làm triệt tiêu hàng chục tỷ USD dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam.

Theo vị giáo sư, Việt Nam đã gia nhập CPTPP (không có Mỹ) và đạt thỏa thuận thương mại quan trọng với EU, là một phần của RCEP cùng với các nền kinh tế lớn của ASEAN và Đông Á (kể cả New Zealand và Australia).

"Những hiệp định này hạ thấp rào cản thương mại cho tất cả đối tác liên quan, trừ Mỹ. Nhà xuất khẩu Mỹ phải chịu thuế cao vì Mỹ không chịu gia nhập CPTPP hay đàm phán các hiệp định thay thế”, vị giáo sư nhận định.

Quan điểm phản biện của giáo sư David Dapice còn cho rằng chính sách tài khóa của Mỹ đã mở rộng kể từ 2016, đặc biệt trong 2020, khiến đồng USD rất mạnh vào năm 2019 do lãi suất tương đối cao.

Cán cân thương mại hàng hóa tổng thể ngày càng thâm hụt bất kể hàng nhập khẩu giảm từ 2018, tổng xuất khẩu của Mỹ giảm 2019 và tiếp tục vào 2020 (thuế quan kìm hãm hàng nhập khẩu nhưng làm tăng chi phí cho nhà xuất khẩu).

Thâm hụt hàng hóa năm 2020 sẽ vào khoảng 1.000 tỷ USD, gấp đôi mức thâm hụt năm 2016. Theo đó, Việt Nam không phải nguyên nhân hay có ảnh hưởng đáng kể lên những chọn lựa chính sách này.

Trong chính sách ngoại hối, định giá thấp thường đi kèm với việc gia tăng dự trữ ngoại hối, cao hơn hẵn so với bình thường. Việt Nam là một trong các nền kinh tế có tỷ lệ dự trữ so với nhập khẩu ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á. Tỷ lệ này chỉ vào khoảng 4 tháng nhập khẩu, theo giáo sư David Dapice, tỷ lệ này được xem là cẩn trọng hơn là thái quá.

Cuối cùng, theo vị giáo sư trường Harvard Kennedy, Việt Nam đến nay vẫn thành công trong việc kiểm soát Covid-19, nhờ đó, tăng trưởng kinh tế vẫn diễn ra và xuất khẩu được duy trì trong khi nhiều nước khác đang gặp khó.

“Thật vô lý khi trừng phạt Việt Nam khi tuyên bố nước này trở lại bình thường vì những lý do khác, chứ không phải nhờ tác động của hệ thống y tế công hiệu quả”, vị chuyên gia khẳng định.

Theo đó, một phần thặng dư gia tăng là do các phản ứng kinh tế của Mỹ trước tác động của dịch bệnh và một phần do khả năng bật trở lại nhanh chóng của Việt Nam.

Theo quan điểm của giáo sư David Dapice, nguyên nhân chính dẫn tới các tình trạng trên là do Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc chứ không phải do giá trị tiền tệ.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác