Tài chính quốc tế

Mỹ tố Trung Quốc ‘đâm sau lưng’ Nga

(VNF) - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng Trung Quốc mua nhiều vũ khí hiện đại của Nga để sao chép sau đó sẽ sản xuất những hệ thống tương tự để bán ra thị trường với giá rẻ hơn.

Mỹ tố Trung Quốc ‘đâm sau lưng’ Nga

Mỹ tố Trung Quốc ‘đâm sau lưng’ Nga

Phát biểu trong một sự kiện tại Washington ngày 31/10, ông Bolton cho biết:  "Nga bán nhiều hệ thống vũ khí tối tân và Trung Quốc đã mua rất nhiều trong số đó".

"Tôi tin rằng Trung Quốc đang đối xử với Nga giống như những gì họ đã làm với nhiều sản phẩm và công ty của Mỹ, họ đang đánh cắp tài sản trí tuệ, họ đang sao chép và bắt chước. Sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ bán những hệ thống vũ khí tương tự Nga nhưng có giá rẻ hơn," ông Bolton nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 31/10, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích việc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ Mỹ và kêu gọi nước này tôn trọng luật quốc tế trong vấn đề thương mại.

"Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc có hoạt động thương mại công bằng và tương ứng với chúng tôi. Chúng tôi cũng đề nghị họ không đánh cắp tài sản trí tuệ. Đó là nỗ lực trên nhiều mặt nhằm thuyết phục Trung Quốc cư xử như một quốc gia bình thường trong vấn đề thương mại và tôn trọng các quy định của luật quốc tế", SCMP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng: "Chúng tôi là chính quyền đầu tiên chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả Trung Quốc và sẽ thực hiện trên mọi mặt".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton.

Trước đó một ngày, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo một nhóm gồm 10 người, dẫn đầu bởi các đặc vụ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) tại tỉnh Giang Tô, một đơn vị thuộc nhánh tình báo nước ngoài của MSS, đã tìm cách đột nhập vào các hệ thống máy tính của các công ty Mỹ và châu Âu đặt văn phòng tại thành phố Tô Châu, Trung Quốc.

Cả hai công ty này đều là những nhà sản xuất động cơ phản lực cánh quạt đẩy sử dụng trên máy bay thương mại. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm đặc vụ Trung Quốc cũng nhắm mục tiêu tới các công ty hàng không vũ trụ khác của Mỹ chuyên sản xuất các linh kiện cho những nhà sản xuất động cơ.

Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết: “10 đối tượng bị cáo buộc âm mưu ăn cắp dữ liệu nhạy cảm mà sau đó có thể được các công ty Trung Quốc sử dụng để chế tạo động cơ tương tự hoặc giống hoàn toàn mà họ không cần phải chịu những khoản chi phí rất lớn để nghiên cứu cũng như phát triển”.

Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc tiếp tục ăn cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại từ giới doanh nghiệp Mỹ để đạt tiến bộ kinh tế và phát triển quân đội. Dù vậy, Trung Quốc đang làm việc này với mức độ thấp hơn kể từ khi hai nước có thỏa thuận trong năm 2015 về việc hạn chế hành vi này.

Cơ quan tình báo Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc có nhiều cách tiếp cận để đánh cắp bí mật, trong đó gồm mã nguồn phần mềm máy tính, công thức hóa học và công nghệ có thể được dùng trong các hệ thống vũ khí.

Dù dựa nhiều vào việc tấn công máy tính, Trung Quốc cũng dùng cách mua lại công nghệ và bí quyết thông qua các liên doanh, hoặc việc thâu tóm doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu và hợp tác học thuật. Họ còn dùng các công ty bình phong để “giấu bàn tay của chính phủ Trung Quốc” trong việc thâu tóm công nghệ được cơ quan quản lý xuất khẩu Mỹ kiểm soát.

Xem thêm >> Ấn Độ chính thức khánh thành bức tượng cao nhất thế giới

Tin mới lên