Nga tự tin có hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất thế giới

Thanh Tú - 27/10/2018 10:03 (GMT+7)

(VNF) - Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin lý giải việc nhiều nước muốn mua tên lửa S-300 và S-400 của Nga bất chấp đe dọa trừng phạt từ Mỹ bởi Nga sở hữu hệ thống tên lửa phòng không ưu việt nhất thế giới.

VNF
S-400 có tính cơ động cao và khả năng theo dõi 300 mục tiêu cùng lúc.

"Ai cũng biết rằng mọi tổ hợp Patriot (của Mỹ), kể cả phiên bản PAC-3+, đều kém hơn S-300 của Nga, chứ chưa nói tới S-400”, Sputnik ngày 25/10 dẫn tuyên bố của ông Fomin.

“Không có tổ hợp nào tốt hơn các tên lửa phòng không Nga về tầm bắn, số mục tiêu có thể theo dõi, tấn công cùng lúc hay vận tốc của mục tiêu. Tổ hợp của chúng tôi đánh bại Patriot PAC-3+ ở tất cả các thông số này", ông Fomin nói thêm.

Ông Fomin nhấn mạnh, trong khi Patriot có thể tấn công các mục tiêu ở vận tốc 2.000 m/giây thì các hệ thống phòng không của Nga đủ khả năng bắn hạ mục tiêu bay với vận tốc 4.700 m/giây. Ông lưu ý các mục tiêu có tốc độ lớn như vậy hiện chưa được phát triển và chỉ có thể xuất hiện vào những năm 2040 đến 2050.

"Mọi người đều hiểu rằng, nhờ những tính năng ưu việt đó nên không một hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể tốt hơn của Nga", ông Fomin kết luận.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin.

S-300 là một loạt các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa Nga do Tổng công ty khoa học công nghiệp Almaz sản xuất dựa trên phiên bản S-300P đầu tiên.

Hệ thống S-300 ban đầu được phát triển để tăng cường khả năng chống lại máy bay và tên lửa hành trình đối phương cho Lực lượng Phòng không Xô viết. Các biến thể sau đó được phát triển để đánh chặn cả tên lửa đạn đạo chiến thuật. Có 3 biến thể trong họ S-300 là S-300V, S-300P và S-300F.

Trong khi đó, S-400 Triumph (NATO gọi là SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay cũng do Almaz thiết kế. Hiện nay, S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) được coi là hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất, có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo ở độ cao 50km.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

Sự khác biệt giữa S-400 với các phiên bản S-300 trước chủ yếu là những cải tiến sâu hơn về các thiết bị điện tử cùng với việc triển khai thêm 4 loại tên lửa mới cho hệ thống, giúp người sử dụng có thể tùy chỉnh các tên lửa mang theo nhằm tăng khả năng tác chiến chống lại các thể loại mục tiêu nhất định.

Hiện nay, S-400 đang được rất nhiều khách hàng trên thế giới quan tâm, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu từng khẳng định, “năng lực thực hiện nhiệm vụ vượt trội” của S-400 là yếu tố then chốt khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua các hệ thống phòng không của Nga với chi phí tới 2,5 tỉ USD.

Sau Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận mua 48 hệ thống S-400 của Nga và đã bắt đầu nhận hàng hồi tháng 7 vừa qua. Các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Nga vẫn đang xúc tiến. Chính quyền Delhi muốn mua 80 bệ phóng và dự kiến hai quốc gia sẽ ký hợp đồng vào tháng 10 năm nay.

Trước đó, hai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã được triển khai tại Syria nhằm đảm bảo an ninh cho căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia và căn cứ hải quân Tartus.

Xem thêm >> Vợ chưa cưới của Khashoggi từ chối lời mời thăm Mỹ của ông Trump

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác