Mỹ và đồng minh tính loại Nga khỏi G20, Trung Quốc nói gì?

Thanh Tú - 23/03/2022 18:22 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc khẳng định không thành viên nào của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có quyền loại Nga ra khỏi tổ chức này.

VNF
Hãng tin Reuters dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết Mỹ và các đồng minh phương Tây đang cân nhắc khả năng loại Nga khỏi nhóm G20.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn ra chiều nay (23/3), đề cập đến khả năng Nga bị loại khỏi nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới G20, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ:

“G20 là diễn đàn chính về hợp tác kinh tế quốc tế, quy tụ các nền kinh tế chủ yếu trên thế giới. Nga là một thành viên quan trọng và không thành viên nào có quyền khai trừ tư cách thành viên của các nước khác".

Trước đó, hãng tin Reuters dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết Mỹ và các đồng minh phương Tây đang cân nhắc khả năng loại Nga khỏi nhóm G20 vì chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine. G20 là nền tảng quốc tế hàng đầu trong việc phối hợp về các vấn đề kinh tế, nợ xuyên biên giới cho đến biến đổi khí hậu.

Hiện chưa rõ lộ trình để loại một nền kinh tế khỏi G20. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ bị nhiều nền kinh tế trong nhóm phủ quyết, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Arab Saudi và những nước khác.

Ở động thái liên quan, bà Lyudmila Vorobieva, Đại sứ Nga tại Indonesia, nước hiện giữ ghế Chủ tịch luân phiên G20, ngày 22/3 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định tới đảo Bali của Indonesia để dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới.

Tuyên bố của bà Vorobieva dường như đã bác bỏ đề xuất của một số thành viên G20 rằng Nga có thể bị loại khỏi nhóm các nền kinh tế lớn.

Khi được hỏi về đề xuất Nga có thể bị loại khỏi G20, bà Vorobieva nhấn mạnh đây là một diễn đàn thảo luận về các vấn đề kinh tế, không phải về cuộc khủng hoảng như Ukraine.

Bộ Ngoại giao Indonesia cho tới nay từ chối yêu cầu bình luận về kêu gọi loại Nga khỏi G20.

Được biết, Ba Lan đã gợi ý với Mỹ về việc thay thế vị trí thành viên của Nga trong G20 và lời đề xuất này đã nhận được phản ứng tích cực từ Washington. Tuy nhiên, Mỹ nói chưa đưa ra quan điểm trên góc độ chính phủ về vấn đề ấy.

Năm 2014, Nga cũng bị loại khỏi nhóm G8 do mâu thuẫn với phương Tây xung quanh vấn đề Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea. Sau vụ việc này, Nga đã hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU khiến quan hệ giữa Mosow và phương Tây lao dốc và không có dấu hiệu phục hồi.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2 vừa qua, mối quan hệ này tiếp tục trở nên tồi tệ.

Xem thêm >> Bị châu Âu ‘tẩy chay’, Nga chuyển hướng dầu thô sang Ấn Độ

Theo Xinhuanet, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác